Đền thờ Po Klong Mơh Nai tọa lạc trên đồi cát thuộc thôn Lương Đông, thị
trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Nơi này thờ vị vua Po Klong Mơh Nai (hay còn gọi
là Po Mâh Taha trong Biên niên sử các vị vua Chăm) của tác giả Po Dharma vào đầu
thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn thờ vị hoàng hậu Chăm Po Bia Som và vị hoàng hậu
người Việt (hiện nay trong gia đình Hoàng tộc Chăm không còn ai biết tên).
Đền thờ được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật
quốc gia tại Quyết định số 43/VH/QĐ ngày 07/01/1993.
Đại Lễ cầu an
tại Đền thờ
Nghi thức Lễ
tẩy trần
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2024 đền thờ được trùng tu,
tôn tạo và đến nay đã hoàn thành. Ngày 20/5/2025 vừa qua, gia đình Hoàng tộc
Chăm đã phối hợp cùng chức sắc tôn giáo và cộng đồng Chăm huyện Bắc Bình tiến
hành tổ chức Lễ Tẩy trần - một nghi lễ tôn giáo cầu mong cho quốc thái dân an,
cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân sinh vật thịnh, cầu cho cộng
đồng tránh được kiếp họa dịch bệnh, tai ương. Cái cốt yếu của nghi lễ này là tẩy
trần cho vị vua tránh khỏi ô uế, cầu mong các vị thần linh ban sự thuần khiết
và linh thiêng đối với vị vua Po Klong Mơh Nai theo tín ngưỡng của cộng đồng người
Chăm nơi đây.
Tượng vua Po
Klong Mơh Nai
Quy trình thực hiện nghi lễ rất chặt chẽ, phong phú từ nội dung đến hình
thức, trong đó có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các hệ phái Sư Cả (Po Dhia, Tapah,
Baséh) và thầy Cò Ke (thầy kéo đàn Kanhi, còn gọi là ông Kadhar), Bà Bóng (Muk
Pajaw) đã tạo nên một nghi lễ mang đậm nét văn hóa dân gian Chăm.
Gian thờ
Hoàng hậu người Việt
Gian thờ
Hoàng hậu người Chăm Po Bia Som
Mở đầu nghi lễ ngày thứ nhất là nghi thức Mở cửa đền (Peh Mbeng Bimong)
do vị Sư Cả (Po Adhia) thực hiện với lời khấn vái cho vị thần giữ cửa (Po
Ginuer Patri) và xin phép ngài mở cửa cho chức sắc vào hành lễ. Tiếp theo là nghi
thức Tẩy uế đền tháp do vị tu sĩ cấp bậc Tapah cùng 2 vị Baséh thực hiện, nghi lễ
này nhằm tống khứ những điều xấu xa, dơ bẩn cũng như xua đuổi tà ma ra khỏi
ngôi đền để tạo không gian thiêng cho ngôi đền. Bước sang ngày thứ hai, thực hiện
nghi thức Tắm tượng và Mặc y trang, đội vương miện cho vị vua và hoàng hậu được
thực hiện bởi sự kết hợp giữa vị Sư Cả và thầy Cò Ke trước khi bước vào phần Đại
lễ cầu an (Pa liéng yang) do thầy Cò Ke và Bà Bóng thực hiện, lễ vật gồm: 1 con
dê, 2 con gà, bánh trái, rượu, trầu cau. Trong nghi lễ này thầy Cò Ke hát ca ngợi
những công đức các vị thần, vua và thánh mẫu Thiên Y Ana (Po Inư Nưgar), còn Bà
Bóng là người dâng lễ vật và đại diện cho sợi dây liên kết với các vị thần
linh. Mục đích của nghi lễ này cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu
mong cho cộng đồng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong nghi lễ này có phần múa
mừng (mia uen) do các thầy Cò Ke, Bà Bóng, con cháu trong Hoàng tộc và cộng đồng
thực hiện với các điệu múa dân gian Chăm nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn thờ
vị vua Po Klong Mơh Nai.

Chức sắc thực
nghi thức tấm tượng Po KaLong Mơh Nai
Chức sắc đọc
kinh thánh BàLaMôn
Tiếp đến là nghi lễ đọc đại kinh thánh Bàlamôn (Bac Agal praong) do các
vị Sư Cả, Tapah, Baséh thực hiện vào ban đêm (khoảng từ 21h00 đến 24h00), nhằm
xua đuổi tà ma và tạo tính thiêng cho ngôi đền. Đến sáng ngày thứ ba, nghi lễ Tẩy
trần được thực hiện bởi các vị Sư Cả, Tapah, Baséh, đây là một nghi thức nhằm tổng
hợp lại quá trình hành lễ và gom toàn bộ những điều xấu xa, những tai ươn, những
hồn ma để đưa vào một chiếc bè có cây nến tượng trưng cho lửa nhằm thiêu đốt và
tống khứ. Cái cốt yếu của nghi lễ này là tẩy trần cho vị vua tránh khỏi ô uế, cầu
mong các vị thần linh ban sự thuần khiết và linh thiêng đối với vị vua Po Klong
Mơh Nai. Lễ vật dâng cúng gồm có: 1 con dê, 10 mâm cơm, rượu, trầu cau. Sau nghi
lễ này, con cháu trong Hoàng tộc cùng cộng đồng thực hiện lễ lạy tạ ơn công đức
của vua Po Klong Mơh Nai và các vị hoàng hậu, qua đó cầu nguyện cho bản thân được
nhiều sức khỏe và an lành trong cuộc sống. Cuối cùng là nghi thức đóng cửa đền
thờ (Karek Mbeng Bimong) do vị Sư Cả thực hiện để cùng bà con ra về và kết thúc
quá trình hành lễ Tẩy trần tại đây.
Bảo tàng tỉnh