Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình long trọng tổ chức Lễ đặt bằng của UNESCO ghi danh đối với nghề gốm của người Chăm Bình Đức
Sáng ngày 15/11/2024, tại Nhà Văn
hóa xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình long trọng tổ
chức đặt bằng của UNESCO ghi danh Nghề gốm truyền thống của người Chăm vào Danh
mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Đến tham dự buổi lễ có ông Bùi Thế
Nhân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Cao Xuân
Dũng - Tỉnh Ủy viên, Bí thư huyện ủy Bắc Bình; ông Nguyễn Công Lý - Phó Chủ
tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình và đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở
Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam huyện Bắc Bình; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân,
Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban ngành, đoàn thể xã Phan Hiệp; các
vị chức sắc tôn giáo, trí thức, nghệ nhân, cùng bà con Nhân dân và
các cháu học sinh.
Nghệ thuật làm gốm truyền thống của
người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình và làng gốm Bàu
Trúc, tỉnh Ninh Thuận đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn
hóa của Liên hiệp quốc) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể
cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Sự kiện này giúp cho thế giới biết
đến nghệ thuật làm gốm độc đáo của người Chăm Việt Nam; mặt khác sẽ tạo ra
những cơ hội để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Nghệ thuật làm gốm lâu đời độc
đáo này mãi trường tồn, tránh nguy cơ bị mai một, biến thể hoặc mất dần theo
thời gian. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức Lễ công bố và
trao bằng ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” của UNESCO cho tỉnh Ninh
Thuận và Bình Thuận vào ngày 15/6/2023.
Làng nghề làm gốm truyền thống của
người Chăm thôn Bình Đức đã có từ lâu đời và rất nổi tiếng trong cả nước; nó
gắn chặt với đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán của người
Chăm qua bao đời nay. Quy trình làm gốm của người Chăm Bình Đức từ khâu chế
biến, pha trộn đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh hình, chà bóng cho đến khâu nung
gốm, chế biến nước màu trang trí lên gốm sau khi nung… đến nay về cơ bản vẫn
bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật, phương thức theo lối thủ công truyền thống do
ông bà lưu truyền lại. Với những giá trị và ý nghĩa đó,
năm 2012 nghề gốm truyền
thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã
được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia.
Trong những thập niên gần đây, do
tác động của khoa học công nghệ, cơ chế kinh tế thị trường,… nên nghề gốm đã và
đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách về thị trường tiêu thụ, giá thành
sản phẩm không ổn định, thu nhập của các gia đình và nghệ nhân làm gốm thấp… đã
ảnh hưởng hưởng đến sự tồn tại và phát triển của nghề gốm. Những khó khăn trong
Nghề gốm và cơ chế thị trường đã tác động làm cho những người thợ trẻ giảm đi
lòng đam mê, yêu nghề, thiếu đi tính cần cù, chịu khó trong việc học hỏi để
tiếp thu bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp và nâng cao tay nghề do các nghệ
nhân lớn tuổi truyền dạy. Đây là nguy cơ đáng lo ngại về sự tồn tại và phát
triển của làng gốm Chăm Bình Đức trong tương lai khi mà các nghệ nhân tuổi cao,
sức yếu đang lần lượt mất đi và khan hiếm dần.
Trước thực trạng đó, ngày 19/8/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2097/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án
“Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn
Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”; Ngày 13/9/2023, Ủy ban nhân dân
tỉnh có Công văn số 3441/UBND-KGVXNV về việc triển khai thực hiện Chương trình
hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghề
gốm truyền thống của người Chăm” được UNESCO ghi danh.
Để bảo tồn và phát triển
nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp,
huyện Bắc Bình đảm bảo hiệu quả; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đề nghị các sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình
cần phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
- Thường xuyên mở các lớp đào tạo,
truyền dạy kỹ năng, bí quyết thực hành nghề gốm cho thế hệ trẻ trong cộng đồng
người Chăm địa phương từ nguồn ngân sách phân bố hàng năm của tỉnh, chương
trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan.
- Tăng cường tổ chức, hỗ trợ cho
các nghệ nhân làng gốm Bình Đức đến làng gốm Chăm Bầu Trúc ở Ninh Thuận học hỏi
phương thức và kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí và làm quà lưu niệm;
tổ chức thực hành, sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gốm
Bình Đức, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
- Triển khai việc quy hoạch, mở
rộng vùng nguyên liệu (đất sét làm gốm truyền thống, đất sét làm gốm mỹ nghệ,
củi nung, than đá) và bãi nung gốm truyền thống gắn với xây dựng lò nung gốm mỹ
nghệ đảm bảo tính hợp lý cho nghề gốm tồn tại và phát triển bền vững về lâu dài.
- Quy hoạch khu đất phù hợp tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp để xây
dựng nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung
gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm (dân ca, dân vũ,
dân nhạc) phục vụ du khách tham quan.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến nét đặc sắc, giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề gốm để nâng
cao nhận thức cho chủ thể văn hóa, các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân có
liên quan để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và
phát triển nghề gốm, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc do ông bà, tổ tiên
để lại.
- Tổ chức kiểm kê, sưu tầm, nghiên
cứu và tư liệu hóa, số hóa tư liệu hình ảnh liên quan đến nghề gốm. Xuất bản ấn
phẩm sách giới thiệu về nguồn gốc, giá trị và quy trình làm gốm truyền thống
của người Chăm Bình Đức. Thường xuyên tổ chức trưng bày, trình diễn nghề gốm
của người Chăm tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, di tích tháp Pô Sah Inư
vào các dịp lễ, tết và các ngày cuối tuần trong dịp hè hàng năm.
- Hàng năm tổ chức Liên hoan Nghệ
thuật làm gốm Chăm vào dịp Lễ hội Katê. Nghiên cứu, phối hợp với Ban Quản lý
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm xây dựng phát triển mô hình du lịch cộng đồng
thu hút du khách tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá quy trình làm gốm, trải nghiệm
và gốm Chăm.
- Kêu gọi các tổ chức, cá nhân,
doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác để bảo tồn và phát triển nghề
gốm. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu
tư vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, trưng bày, giới thiệu, quảng bá vừa phục vụ
bảo tồn, phát triển nghề gốm, vừa phục vụ phát triển du lịch.
- Tham mưu, tiến hành công tác rà soát,
hướng dẫn thực hiện các quy trình xét tặng danh hiện nghệ nhân nhân dân, nghệ
nhân ưu tú theo định kỳ cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ,
thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị nghề gốm truyền thống Chăm
Bình Đức theo đúng quy định hiện hành.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến
thương mại, quảng bá sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm gốm thành sản phẩm hàng
hóa có tính thương mại và giá trị tăng cao. Tăng cường các hoạt động xúc tiến,
quảng bá du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám
phá, trải nghiệm làng gốm Bình Đức. Xây dựng và phát triển các tour, tuyến
du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức.
Tin, ảnh: Chí Phú