Cuộc thi thiếu nhi kể chuyện theo sách bằng Video-clip trong đại dịch
Cuộc
thi kể chuyện theo sách bằng Video-clip với chủ đề “Quyển sách tôi yêu” tuy triển
khai trong thời gian ngắn nhưng đã thu hút được đông đảo thiếu nhi, học sinh
trong tỉnh tham gia. Đây là cuộc thi thực sự gây ấn tượng, có sức lan tỏa rộng
lớn và hoạt động tích cực phục vụ cho cuộc vận động “Hưởng ứng Tháng hành động
vì trẻ em năm 2021” và đây cũng là cuộc thi mà Thư viện tỉnh ứng phó trước diễn
biến phức tạp của dịch Covid-19, chuyển chương trình hoạt động hè cho thiếu nhi
sang hình thức trực tuyến để vừa tổ chức tốt hoạt động vừa bảo đảm phòng chống
dịch hiệu quả.
Qua gần
hai tháng phát động từ tháng 7-9/2021, cuộc thi đã thu hút đông đảo thiếu nhi,
học sinh các lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận tham gia. Ban tổ chức đã tuyển chọn 23 video-clip dự thi đạt yêu cầu
về nội dung và hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Thư viện tỉnh,
mạng xã hội Facebook và kênh Youtube Thư viện tỉnh để cộng đồng mạng xem, bình
luận đánh giá và chia sẻ trực tuyến.

Đa số các Video-clip kể chuyện của
thí sinh dự thi đều đạt các tiêu chí về nội dung, hình thức, thời gian theo thể
lệ cuộc thi. Câu chuyện kể được trình bày sinh động với sự kết hợp giữa lời kể,
hình ảnh trong những trang sách, nhạc để minh hoạ theo tình tiết câu chuyện. Cấu
trúc Video-clip được bố cục chặt chẽ, rõ ràng theo thứ tự như: giới thiệu họ
tên mình, tựa đề câu chuyện và các thông tin khác liên quan đến tác giả, nhà xuất
bản… Nhưng đặc biệt nhất của mỗi Video-clip kể chuyện là thông qua nội dung của
câu chuyện kể có những em nhận thức đưa ra liên hệ rất sâu sắc giữa nội dung
câu chuyện và cuộc sống hiện tại, ca ngợi cái đẹp, cái tốt và phê phán cái xấu…
và rút ra bài học cho bản thân để học tập, rèn luyện thành con ngoan, trò giỏi.

Nhiều thí sinh tỏ ra bản lĩnh, tự
tin, nắm vững kỹ năng cũng như nghệ thuật kể chuyện với lối kể hồn nhiên, diễn
cảm nhập tâm tái hiện câu chuyện rất sinh động làm cho người nghe xúc động. Như
mẩu chuyện kể về Bác Hồ của bạn Lê Chí
Anh,
bạn Đinh Thái Linh của trường tiểu học Phú
Thủy 1 các
em đã nêu bật tấm gương về đạo đức thanh cao, lối sống giản dị, khiêm tốn, tình
yêu thương bao la đối với dân tộc, đặt biệt tình yêu thương, chăm lo cho thiếu
niên, nhi đồng thế hệ tương lai của đất nước; hay mẩu chuyện “Bánh chưng bánh
giầy” Mai Nguyễn Thảo Nguyên lớp 8A5 trường THCS Nguyễn Du, đề cao nghề nông, sự tôn kính Trời, Đất và tổ
tiên, phong tục tập quán ngày Tết về hai loại bánh này để giữ gìn truyền thống
văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc từ những điều giản dị nhưng rất thiêng liêng,
giàu ý nghĩa, giá trị của hạt gạo ở một đất nước mà cư dân sống bằng nghề nông
và thể hiện một cách sâu sắc cái đáng quý, đáng trân trọng của sản phẩm do con
người làm ra. Có những Video-clip được hàng ngàn lượt thích, lượt xem và lượt
chia sẻ, như: mẫu chuyện “ Con rồng cháu tiên “, “ Cô bé quàng khăn đỏ “,
“ Bánh chưng bánh dày “, “ Hoa cúc trắng “, “ Ổ bánh mì và ông lão kỳ quặc “, “
Đến thăm trường thiếu nhi Miền Nam”...
Các Video-clip
đều có sự đầu tư đạt trình độ kỹ thuật, chuẩn bị kỹ lưỡng và sáng tạo kết hợp
giữa lời kể với phối cảnh, lồng ghép hiệu ứng hình ảnh, âm thanh sinh động. Nhưng
bên cạnh đó, một số Video clip còn những mặt hạn chế là nhìn sách đọc, quay Video
clip còn sơ sài, đơn điệu hay chưa rút ra ý nghĩa, bài học đạo đức từ câu chuyện.
Cuộc
thi kể chuyện theo sách bằng Video-clip là hoạt động ứng phó linh hoạt của thư
viện trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và đạt kết quả mỹ mãn, thu hút
được thiếu nhi và học sinh tham gia. Điều này cho thấy rằng, với khoa học và
công nghệ phát triển như hiện nay, việc tổ chức các hoạt động bên ngoài thư viện
là hoàn toàn khả thi và kết quả cũng tương đương với các hoạt động trực tiếp.
Nhưng dù là hình thức trực tiếp hay trực tuyến thông qua mạng và công nghệ thư
viện cũng đạt được mục tiêu giúp bạn đọc có cảm hứng tìm đến sách và hình thành
thói quen đọc sách, sử dụng sách phục vụ học tập, lao động, sản xuất… xây dựng
và phát triển văn hóa đọc, mở ra một hướng đi mới trong hoạt động của thư viện.
Hội
thi đã góp phần đẩy mạnh phong trào đọc sách trong thiếu nhi, giúp cho các em
có một sân chơi bổ ích, lành mạnh góp phần duy trì và quảng bá văn hóa đọc sách
trong xã hội. Giáo dục cho thiếu nhi về truyền thống dân tộc, tình yêu quê
hương đất nước, tình cảm gia đình, tính nhân văn cao cả; bồi dưỡng tư tưởng
tình cảm lành mạnh, hun đúc những ước mơ cao đẹp để từ đó trau dồi, rèn luyện đạo
đức, hình thành cách ứng xử lễ phép, lịch sự, hòa nhã trong gia đình, bạn bè và
xã hội. Hoạt động này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phát âm
chính xác tiếng mẹ đẻ, làm giàu vốn từ, nhận biết vẻ đẹp của ngôn ngữ cũng như
cách sử dụng từ ngữ phù hợp để diễn đạt lời nói rõ ràng, mạch lạc, có đầy đủ chủ
ngữ, vị ngữ, động từ, tính từ…
Bên cạnh
đó, cuộc thi kể chuyện theo sách bằng Video-clip còn giúp các em hình thành kỹ
năng sử dụng mạng, điện thoại thông minh, các phần mềm tiện ích tạo ra những sản
phẩm có ích, phù hợp với lứa tuổi, hạn chế bớt thời gian chơi game.
Kết quả
ban tổ chức trao 03 giải nhì, 02 giải ba, 06 giải khuyến khích, 01 giải có lượt
thích và chia sẻ nhiều nhất, tiêu biểu là các Video clip của Đinh Thái Linh -
câu chuyện Bác Hồ đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, Nguyễn Ngọc Thiên Thư - câu chuyện Hoa cúc trắng, Nguyễn Thị Quỳnh Mai – câu chuyện Hoàng tử bé, Mai
Nguyễn Thảo Nguyên - câu chuyện Bánh chưng bánh giầy…
Cuộc
thi kể chuyện theo sách bằng Video-clip là hoạt động ứng phó với dịch bệnh của
Thư viện tỉnh. Qua đó cho thấy rằng, việc mở rộng hoạt động ra bên ngoài thư viện
thông qua mạng internet, công nghệ thông tin, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu
trong phục vụ nhu cầu đọc sách của thư viện, tạo ra nhiều điểm để người dân tiếp
cận với thông tin thư viện. Thông qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, sự
chia sẽ, bình luận của người đọc sẽ là kênh tuyên truyền mạnh mẽ về hoạt động
thư viện, đưa thư viện đến gần hơn với người đọc, đạt mục tiêu xây dựng xã hội
học tập và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.
Nguyễn
Thái Ngọc Hân