Mùa
thu, hoa tagalaw nở thắm, nắng vàng tỏa trên đỉnh tháp cổ rực lên giữa trời
xanh. Mỗi năm một lần, vào ngày 01 tháng 7 theo Chăm lịch, tức khoản cuối tháng
9 đầu tháng 10 dương lịch, Lễ hội Ka tê lại được tổ chức long trọng, công phu. Vùng
đất Bình Thuận từ Bắc Bình, Tuy Phong, đến Hàm Tân, Lagi, Tánh Linh, đâu đâu có
người Chăm sinh sống, nơi ấy có sắc thắm Ka tê.
Sau
nhiều ngày háo hức chuẩn bị tết tại gia, đồng bào Chăm lại nô nức cùng nhau lên
tháp cổ mừng Ka tê. Nhóm đền tháp Chăm Po Sha Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết
thường ngày trầm mặc, lặng im giữa đất trời. Nay bỗng rộn ràng tiếng trống kèn,
rực rỡ những sắc màu tươi vui. Kia là sắc hồng, xanh, vàng, đỏ của những tà áo thiếu
nữ đôi mươi. Các cụ ông, cụ bà lại hiền từ trong trang phục trắng, nhẹ nhàng
lên tháp. Tết cổ truyền với mâm cúng gồm các món truyền thống như bánh gừng,
chuối, gà, trứng được các gia đình kính cẩn dâng lên các vị thần. Lễ hội Katê tháp Pô sha Inư năm nay diễn
ra trong hai ngày 24 và 25 tháng 10 dương lịch với đầy đủ các lễ nghi, hội hè.
Trong ngày đầu tiên, tất cả cùng tập trung để tham gia Lễ cúng cầu an, thi
trưng bày, trang trí lễ vật và Cổ bồng để dâng cúng Nữ thần Pô Sah
Inư.
Chương trình Ka tê trên tháp cổ thêm hấp
dẫn với đêm giao lưu văn nghệ giữa các đoàn ca múa nhạc dân gian Chăm của các
huyện, thị trong toàn tỉnh. Những bài nhạc, điệu múa, các lễ nghi truyền thống
gắn liền với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm đầy màu sắc, ấn tượng,
được dàn dựng công phu, khắc họa rõ nét, đầy thi vị trên sân khấu mang đến cho
người xem cái nhìn chân thật về văn hóa Chăm đặc sắc, ấn tượng.

(Hình
biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm nơi tháp cổ)
Tết Ka tê trên tháp Posha Inư không thể
thiếu các nghi Lễ như Lễ Tống ôn, cúng Cầu an, đặc biệt là nghi lễ rước y trang
nữ thần Pô sha Inư về tháp chính - diễn ra trong ngày thứ hai của Lễ hội. 20 cô
gái trẻ có năng khiếu được tuyển chọn, đã phải tập luyện cho nghi thức này từ gần
một- tháng nay. Thế nên khi trình diễn họ có chút lo lắng song ánh mắt sáng lên
niềm tự hào vì được tham gia nghi thức quan trọng này. Những cô gái Chăm nhịp
nhàng trong điệu múa nghinh thỉnh. Với chiếc quạt trên tay, khi thì xòe ra như
công múa, lúc lại uốn lượn như dãi lụa mềm. Nhịp nhàng, nhịp nhàng theo điệu trống
ghi năng, theo tiếng kèn saranai của các chàng trai dìu bước.
Trong
trang phục truyền thống, các nam thanh, nữ tú đại diện cho đồng bào Chăm ở khắp
nơi cùng rước kiệu y trang nữ thần từ sân lễ khai mạc lên khu vực tháp chính. Người
dân và du khách cũng vui bước theo đoàn rước dưới trời thanh gió mát cũng như
theo dõi các nghi thức truyền thống tại tháp chính.
(Hình Hoa hậu Đại dương 2014 Đặng
Thu Thảo tham gia đoàn rước Thiên y)
Ngay sau đó, nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm
bệ thờ Linga - Yoni, lễ mặc trang phục và cúng mừng lễ Katê diễn ra long trọng
trước tháp chính. Lúc này, bất cứ ai muốn xua đi những muộn phiền, điều xui
rủi, muốn cầu mong những điều tốt đẹp, cuộc sống hạnh phúc, sức khỏe, bình an,
làng palei yên vui, … đều có thể thắp trầm khẩn cầu các vị thần linh, thượng đế
và đất trời ban ơn.
Các nghi lễ tại tháp chính diễn ra liên
tục trong suốt gần hai giờ đồng hồ. Vẫn tiếng trống tiếng kèn rộn ràng, vẫn điệu
múa uyển chuyển nhịp nhàng của các chàng trai, cô gái; trong ánh nắng vàng,
tháp Pô Sha Inư cổ kính như sáng bừng đưa người tham gia về với nét cổ xưa, với
nghi lễ truyền thống - di sản văn hóa đặc sắc mà dân tộc Chăm đã tích lũy, gìn
giữ trong nhiều thế kỷ qua.
(Hình đoàn rước Thiên y vào tháp
chính)
Mỗi
năm chỉ có một lần Ka tê diễn ra trong vài ngày nên ai cũng mong ngóng, ai cũng
dành cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để vui hội. Ka tê năm nay lại càng
được đợi chờ hơn, bởi sau 2 năm ở nhà vì dịch bệnh Covid 19 hoành hành thì bà
con Chăm mới lại được tập trung vui hội trên tháp cổ.
Ngoài
phần Lễ chính, Ka tê có phần hội với các cuộc thi làm bánh gừng, thi thổi kèn
saranai, đánh trống Paranưng, trang trí lễ vật trên thôn la. Ngoài ra còn có
các trò chơi dân gian vui nhộn như thi giả gạo, nặn gốm, đội nước vượt chướng
ngại vật, hay bịt mắt đập niêu, … dành cho bà con người Chăm cũng như du khách;
Xuyên suốt lễ hội, các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm, làm gốm thủ công, giới
thiệu ẩm thực truyền thống của người Chăm để du thách tham quan, thưởng thức và
mua sắm những món quà thủ công mỹ nghệ dân gian Chăm độc đáo. Ai cũng được tham
gia vui chơi, ai cũng có quà mang về, ai cũng cười thật tươi và nhiệt tình với
các hoạt động trong lễ hội.
(Hình thi giã gạo, hình đơm cổ bồng)
Các
bậc cao niên, già làng được người dân kính trọng ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc
Bình hay Tuy Phong, năm nào cũng lên tháp mừng Ka tê. Dù tuổi cao, song các cụ cho
biết năm nào cũng phải đến tháp trong dịp Ka tê, không đi không được, các cụ cảm
thấy rất phấn khởi, hạnh phúc, vui mừng vì tết Ka tê được Đảng, chính quyền
quan tâm. Trong khi đó, nhiều người trẻ ở Bắc Bình như bạn Đặng Thị Chiêm - thường
xuyên trình diễn trong lễ rước y trang
không chỉ tự hào vì được là thành viên đội nghinh rước, mà còn tự hào vì văn
hoá dân tộc Chăm được gìn giữ và di tích tháp được trùng tu, sửa san, nhìn
khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm.
(Hình các cụ cao niên, chức sắc
Chăm cùng trò chuyện)
Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo
Bàlamôn được thể hiện trên nhiều bình diện sâu sắc từ nghi lễ, hội hè cho đến
loại hình biểu diễn nghệ thuật. Lễ hội diễn ra tương ứng trên một không gian rộng
lớn, từ đền, tháp đến làng xóm rồi đến từng gia đình; tạo thành một dòng chảy lễ
hội liên tục, đa dạng và đặc sắc. Ka tê không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ
tiên, kính thờ các vị thần, cầu mong mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở,
con người có cuộc sống bình yên. Ka tê còn là ngày hội của Đại đoàn kết toàn
dân,thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng người Chăm và các dân tộc anh em sinh
sống trên vùng đất Bình Thuận, trên quê hương Việt Nam mến yêu. Dù là người
Chăm, người Kinh hay người dân tộc nào, cũng đều vui mừng nhảy múa, hát ca, vui
mừng về dự hội nơi tháp cổ.
Đồng chí Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao Bằng công nhận di sản phi vật thể cho các chức sắc
Với đầy đủ các nghi thức truyền thống,
các giá trị văn hóa được lưu giữ, lễ hội Ka tê mang đậm tính tâm linh, nêu bật
tín ngưỡng phồn thực ấn tượng của người Chăm. Việc tổ chức Lễ hội Katê hàng năm
tại di tích tháp Pô Sha Inư thể hiện rõ
sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các
giá trị về văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm - là bảo tồn một phần tin hoa,
hương sắc độc đáo trong vườn hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam! Từ khi được phục
dựng năm 2005 đến nay, Lễ hội Ka tê luôn là sự kiện lớn, điểm nhấn phục vụ du lịch
của tỉnh ta. Đặc biệt năm 2022, Ka tê diễn
ra vào đúng ngày 24/10 - kỷ niệm 27 năm Ngày Du lịch Bình Thuận. Là điểm nhấn,
tiền đề cho các hoạt động chào mừng năm Du lịch quốc gia 2023- Bình Thuận - Hội
tụ xanh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.
Trong
nắng vàng, gió lộng, lòng người rộn ràng dâng những ước mong cho đất nước thanh
bình, cuộc sống ấm no.
Thuỳ
Tiên - Trung tâm Văn hoá tỉnh Bình Thuận