Lịch sử hình thành và xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc
1. Lịch sử hình thành
Sau
năm 1954, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận địch càn quét dữ dội từ thành thị đến
nông thôn, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ và cán bộ trung kiên bị bắt tù đày. Để đảm
bảo an toàn cho Cơ quan Tỉnh ủy, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến, vấn đề chọn
địa điểm xây dựng Căn cứ Tỉnh ủy được đặt ra và mang tính chất sống còn. Tỉnh ủy
đã chọn Sa Lôn để xây dựng Khu căn cứ nhằm đảm bảo sự bí mật và an toàn. Sa Lôn
là khu rừng tự nhiên có địa bàn, địa thế và vị trí chiến lược rất quan trọng, tiếp
giáp với vùng đồng bằng trải dài ven biển thuộc huyện Hàm Thuận trước đây, có sông
suối chằng chịt, đất đai màu mỡ, thuận lợi để các cơ quan, trong đó có Tỉnh ủy
tổ chức sản xuất tự túc lương thực, có đường hành lang chiến lược đan xen và
thông nối với nhau. Sa Lôn là địa bàn cư trú lâu đời của người Cờ ho, bà con hết
lòng hết sức thương yêu, ủng hộ và bảo vệ cán bộ cách mạng, đã tạo thành hậu
phương tại chỗ vững chắc cho cuộc chiến tranh nhân dân. Theo các vị cao niên
người Cờ ho ở địa phương thì Sa Lôn có nghĩa là “dòng nước Mẹ”, con suối nước chảy
uốn lượn như con rồng, trong Khu di tích có con suối chảy qua được gọi tên là
suối Chín Khúc.

Nhà Bia Tưởng niệm
Việc
chọn Sa Lôn để xây dựng Căn cứ Tỉnh ủy đã thể hiện sự sắc bén trong vận dụng
sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, kinh nghiệm của cha ông để xây dựng
căn cứ địa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Bình Thuận đứng
chân tại hơn 30 địa điểm. Riêng tại căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đứng chân 03 lần
trong thời gian hơn 08 năm (từ tháng 12/1954 đến 6/1957, từ giữa năm 1961 đến
tháng 12/1964 và từ tháng 9/1968 đến tháng 8/1970). Một số sự kiện diễn ra tại Căn cứ Sa Lôn:
- Tháng 10/1962, Tỉnh ủy họp bàn về việc thành lập
thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận và củng cố các
giới đoàn thể. Đến cuối năm 1962, thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt
Nam tỉnh Bình Thuận. Sau ngày thành lập,
Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh đã phát động mạnh mẽ phong
trào thi đua yêu nước chống Mỹ, giết giặc lập công trong Nhân dân, trong các địa
phương, đơn vị.
- Thành lập các ban: An ninh, Tuyên huấn, Kinh tài,
Dân y, Trường Đảng, Tổ chức, Dân vận, Binh vận, Hành lang, In ấn vào cuối năm
1962.
- Đại hội Chiến sĩ thi đua đầu tiên của tỉnh Bình
Thuận được tổ chức vào tháng 9/1964 để động viên phong trào thi đua chống Mỹ cứu
nước.
- Đại hội lần thứ I Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng
miền Nam tỉnh vào năm 1962 và lần II vào năm 1964.
- Đại hội lần thứ I Hội Liên hiệp Thanh niên Giải
phóng tỉnh (Tỉnh đoàn) vào năm 1965.
- Đại hội chính trị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng
lâm thời tỉnh Bình Thuận vào tháng 6/1969. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Quý Đôn
làm Chủ tịch. Đây là Đại hội đầu tiên thành lập chính quyền cách mạng sau 15
năm kháng chiến chống Mỹ.
- Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 09/9/1969,
buổi lễ diễn ra trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn, được coi là sự kiện khó
quên, gây xúc động lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trong Khu Căn cứ. Tại buổi lễ,
di ảnh Bác Hồ bằng lụa được đặt trên bàn thờ làm bằng mây tre tuy đơn sơ nhưng
hết sức trang trọng. Sau Lễ Truy điệu, di ảnh Bác Hồ được đặt trên bàn thờ thêm
một thời gian để cán bộ, chiến sĩ trong Khu Căn cứ bày tỏ tấm lòng thành kính
và tiếc thương đối với vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc.
- Tổ
chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống
Mỹ vào tháng 7/1970 (là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Đại hội lần thứ I và
II tổ chức trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Đây là Đại hội lần đầu tiên
sau hơn 16 năm kháng chiến chống Mỹ, Đại hội diễn ra từ ngày 10-15/7/1970. Đại
hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ năm 1954 đến tháng 6/1970, bầu Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 17 đồng chí. Đồng chí Lê Thứ (tức Mười Bắc) - Khu ủy
viên được bầu làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Phó Bí thư.
Không gian trưng bày tại Nhà Tưởng niệm - Trưng bày
Tại Khu di tích gốc còn tồn tại 13 hầm, lán trại, bếp
Hoàng Cầm và hội trường; trong đó có hầm đồng chí Bí tư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh
ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, bộ phận Cấp dưỡng, bộ phận Cảnh vệ và các phòng,
ban khác của Tỉnh ủy. Qua các cuộc hội thảo, khảo sát thực tế, đo vẽ hiện trạng
các hầm và lấy ý kiến của các đồng chí từng công tác, hoạt động tại Căn cứ Tỉnh
ủy ở Sa Lôn thì các hầm đều có cấu trúc kiểu hầm chìm hình chữ Z. Tùy theo số
lượng người trong mỗi ban, bộ phận nhiều hay ít mà hầm có kích thước lớn hay nhỏ
cho phù hợp. Thông thường, thân hầm dài cỡ 2m, rộng từ 1,2m - 1,5m, cao khoảng
1,8m, ở giữa thân hầm có thể móc hàm ếch để chống sức ép của bom đạn. Ở
hai đầu hầm bố trí 2 cửa tạo bậc cấp để
tiện việc lên xuống. Bên trên hầm lót lớp cây gỗ sát liền nhau và phủ lá cây rừng,
bên trên đổ một lớp đất dày phủ kín mặt hầm ngang với mặt đất tự nhiên để ngụy
trang. Bên trong các hầm dựng 2 cột gỗ để mắc võng phục vụ nghỉ ngơi và ẩn náu
khi địch bắn phá vùng Căn cứ.

Bếp “Hoàng Cầm” được phục dựng lại tại Khu di tích gốc
Bên trên các hầm đều có dựng lán trại để làm việc và
nghỉ ngơi, chỉ khi có máy bay hoặc pháo địch bắn phá mới xuống hầm để trú ẩn.
Lán trại bên trên các hầm cơ bản giống nhau, được làm đơn sơ bằng các vật liệu:
gỗ, tre, nứa. Thông thường mỗi lán trại có 6 cột gỗ: 2 cột chính ở giữa và 4 cột
gỗ phụ ở bốn góc xung quanh chỉ cao hơn đầu người khoảng 20 - 30cm để việc ra
vào thuận tiện. Bên trên mái lán trại của các đồng chí lãnh đạo dùng lồ ô, tre,
nứa để làm bộ khung và sử dụng lá mây hoặc lá trung quân để lợp che mưa nắng, 4
mặt xung quanh lán trại để trống thông thoáng (riêng lán trại của các ban, bộ
phận thường dùng tấm nilon để lợp). Kích thước lán trại chỉ vừa đủ che phủ hầm
và 2 cửa hầm ở bên dưới. Bên trong mỗi lán trại bố trí 1 bộ bàn ghế (1 bàn và 2
ghế dài ở hai bên, mỗi ghế khoảng từ 4 - 5 người ngồi) được làm bằng gỗ hoặc
tre, nứa, lồ ô để làm việc và hội họp, hai bên bố trí 2 sạp tre để ba lô hoặc
ngồi. Theo các đồng chí từng công tác tại Căn cứ sa lôn thì hầm và lán trại bên
trên hầm của các đồng chí lãnh đạo có kích thước lớn hơn hầm và lán trại của
các ban, bộ phận.
Trong Cơ quan Tỉnh ủy ở Sa Lôn có 1 bếp ăn tập thể
được thiết kế theo kiểu bếp “Hoàng Cầm” được bố trí phía bên tả con suối Chín
Khúc để nấu ăn phục vụ Cơ quan. Bếp Hoàng Cầm có công dụng làm tan loãng
khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay địch phát hiện. Bếp
có nhiều lỗ thông gió thoát khói, nối liền với bếp bên trên đặt những cành cây
và phủ một lớp đất. Khói từ trong bếp bốc lên qua các lỗ thông gió chỉ còn là một
làn khói trắng như mây tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Phía trên bếp Hoàng Cầm
có dựng một lán trại lợp bằng lá trung quân để che mưa nắng khi nấu nướng, bên
trong bố trí các kệ, bàn được làm bằng gỗ, tre nứa làm nơi để lương thực, thực
phẩm tránh bị ẩm mốc và để thức ăn, nước uống sau khi nấu chín.
Tại Căn cứ Sa Lôn có 01 Hội trường được sử dụng để họp
và sinh hoạt chung của Cơ quan Tỉnh ủy. Hội trường có sức chứa khoảng từ 30 -
40 người, cách thức tạo dựng và lắp ghép cũng giống như lán trại bên trên các hầm
trong Khu Căn cứ, ghế được làm bằng những thanh gỗ hoặc cây tre bắt ngang qua ở
hai đầu và dùng dây mây cột lại.
2. Quá
trình xây dựng và ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng
Khu di tích thuộc địa phận thôn 3, xã Đông Giang,
huyện Hàm Thuận Bắc, ở độ cao 500m so với mực nước biển. Khu di tích cách thành
phố Phan Thiết khoảng 60km, cách Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 43km về hướng
Tây Bắc và cách Ủy ban nhân dân xã Đông Giang khoảng 12km về hướng Tây Nam.
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng
chiến chống Mỹ ở Sa Lôn được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định
số 3056/QĐ-UBND, ngày 25/10/2017.
Với những dấu ấn đặc biệt đó, Khu di tích Căn cứ Tỉnh
ủy ở Sa Lôn đã được Tỉnh ủy Bình Thuận chọn làm nơi để phục dựng, tu bổ, tôn tạo
các di tích gốc và xây dựng các hạng mục phụ trợ để bảo tồn, giữ gìn truyền thống
lịch sử cách mạng hào hùng, oanh liệt của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong
kháng chiến chống Mỹ nói riêng, của Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà nói chung trong
giai đoạn 1954 - 1975. Khu di tích được khởi công xây dựng vào ngày 15/01/2021,
hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 02/02/2023; thành lập Ban Quản lý di tích trực
thuộc Bảo tàng tỉnh, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành Khu
di tích
Tổng diện tích toàn Khu di tích là 10,94 héc ta. Trong
đó, Khu vực bảo vệ I (Khu di tích gốc) có diện tích 48.000m2, gồm các hạng mục:
Hầm trú ẩn, Lán trại, Hội trường, Bếp Hoàng Cầm...; Khu vực bảo vệ II cách Khu
vực di tích gốc khoảng 300m về hướng Tây Nam có diện tích 49.843m2, gồm các hạng
mục: Nhà Tưởng niệm - Trưng bày, Bia Tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà làm việc Ban
Quản lý di tích, Bãi đỗ xe, Chòi nghỉ chân, Khu vệ sinh… và hệ thống đường đi
lát đá kết nối Khu vực bảo vệ I với Khu vực bảo vệ II. Nhà Tưởng niệm - Trưng bày có diện tích trưng bày
112m2, được bố trí làm 3 gian: Gian long trọng bài trí tượng bán thân Bác Hồ bằng
chất liệu đồng cao 1m; gian bên trái bài trí tượng bán thân 06 đồng chí nguyên
Bí thư Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ chất liệu đồng; gian bên phải tưởng
niệm cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Tỉnh ủy đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Trong nhà Trưng bày bài trí hơn 150 tài liệu, hình ảnh, hiện
vật, kỷ vật, hồi ký… gắn với sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ Cơ quan Tỉnh
ủy trong kháng chiến chống Mỹ; bên cạnh đó, trưng bày bổ trợ Bản đồ, Sa bàn,
phù điêu, câu trích và hình ảnh thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội
của tỉnh Bình Thuận sau năm 1975.
Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở Sa Lôn trong kháng
chiến chống Mỹ như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc kháng chiến, phản ánh trung
thực sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy Bình Thuận đối với
các lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, chủ
trương của Tỉnh ủy phục dựng Khu di tích trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện
nay là vấn đề cấp thiết để vừa giữ gìn, tôn vinh những người đã từng xây dựng
và bảo vệ Khu Căn cứ, góp phần vào việc phục hồi, lưu giữ lại các yếu tố gốc của
di tích gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận, vừa
phát huy các giá trị của di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ
mai sau và là điểm đến của du lịch. Qua đó, nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết được
những gian truân, sự hy sinh và mất mát của biết bao thế hệ cha anh đi trước mới
có được hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay; dù sống trong bất
kỳ môi trường và hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ về cội nguồn, tình yêu quê hương đất
nước; sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người con của một
dân tộc anh hùng, đóng góp sức mình để xây dựng quê hương đất nước ngày càng
văn minh, giàu đẹp.
Nguyễn Chí Phú