Nàng thơ hoà bình
Lượt xem: 958
     Những ai ở Phan Thiết, nhất là khu vực phường Phú Thủy, Phú Trinh, Lạc Đạo, Đức Thắng, Đức Long, … đã từng rất quen thuộc với tiếng còi hụ vang lên từ tháp nước Phan Thiết bên dòng Cà Ty hiền hoà chảy giữa lòng thành phố. Một ngày nắng đẹp, ngang qua tháp nước, lòng chợt thổn thức: Lâu rồi không nghe tiếng còi hụ!  

    Tiếng còi hụ đã từng được xem như nét văn hóa rất riêng của thành phố biển. Tiếng còi trong nắng sớm, báo tin 7 giờ - giờ làm việc của một ngày mới bắt đầu. Tiếng còi trong mây chiều, hân hoan 17 giờ, khép lại một ngày làm việc năng suất, thành công.

    Cách đây không lâu, Ủy ban nhân dân TP. Phan Thiết thông báo việc dừng sử dụng còi hụ báo giờ làm việc trong tuần, theo chỉ đạo của tỉnh vì lý do an ninh. “Nốt nhạc” đi cùng năm tháng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân thành phố Phan Thiết, đến một ngày không còn nghe, liệu bạn có cảm thấy nhớ?

    Nhịp sống, công việc vẫn tiếp diễn dù có hay không có tiếng còi hụ “báo thức”. Chỉ là đôi khi ta chợt nhớ về âm thanh đã từng rất quen thuộc ấy và bất giác mỉm cười, xốn xang trong lòng! Dừng lại 2s, và ngắm nhìn biểu tượng của phố biển!

    Tháp nước Phan Thiết - biểu tượng hoà bình hữu nghị:

    Tháp nước Phan Thiết (còn được gọi là "Lầu nước") được người Pháp xây dựng từ năm 1928 đến năm 1934 theo chủ trương quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền đương thời. Nằm cách Tòa Công sứ Pháp (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận) chừng 350m, tháp nước có công năng cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ và người dân nội thị Phan Thiết cũng như góp phần chỉnh trang đô thị.

    Công trình là sự kết hợp kỹ thuật của các nước Pháp, Lào và Việt Nam. Bản thiết kế tháp nước do kiến trúc sư Xuphanuvong vẽ (khi đó ông là du học sinh đang theo học trường Albert Sarraut tại Hà Nội, Việt Nam - sau này ông là Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà nhân dân Lào). Sở Công chánh Hà Nội đã duyệt bản vẽ và Nhà thầu Ưng Du (người gốc Huế, làm việc ở Bình Thuận) trúng thầu công trình.

Tháp nước Phan Thiết cạnh trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh

    Tháp nước Phan Thiết với vẻ đẹp cổ kính mang phong cách kiến trúc Á Đông, nằm bên bờ sông Cà Ty thơ mộng. Tòa tháp có tổng chiều cao là 32 m. Trong đó, phần chân tháp có kiến trúc hình trụ bát giác, dưới to, trên nhỏ, cao 22m, đường kính chân tháp là 10m. Dọc theo thân tháp có 5 ô thông gió với các hoa văn cách điệu chữ triện “Hỷ”, “Phúc”, “Thọ”, “Kiết”, “Lộc” mang ý nghĩa cầu mong người dân vui vẻ, hạnh phúc, ấm no. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9 m. Quanh thân lầu đài có khắc dòng chữ “U.E.PT” viết tắt của cụm từ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” (uni đơzôu đơ PT) - tức Nhà máy nước Phan Thiết).

    Nét đặc biệt của dòng chữ này, chính là chúng được ghép từ các mảnh gốm sứ theo lối viết chữ hình tròn. Khi mặt trời lấp ló qua hàng cây xanh, ôm nhẹ tháp nước, những dòng chữ này ánh lên lóng lánh, hòa với dòng sông Cà Ty đang loang loáng nhảy múa với nắng vàng.

    Khu vực tháp nước còn có lầu vọng cảnh với mái ngói âm dương. Nhưng nay đã không còn.

Tháp nước xưa có lầu vọng cảnh - ảnh mạng

    Khi xây dựng xong, tháp nước được xem là biểu tượng hoàn hảo của đô thị Phan Thiết phát triển không ngừng. Từ đó, hình ảnh tháp nước hiện hữu trên logo thành phố, của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh, đặc sản của địa phương như nước mắm, hải sản.

    Năm 2005, Bình Thuận đã chọn tác phẩm "Tháp nước Phan Thiết" của họa sĩ Nguyễn Công Quang làm logo - biểu tượng chính thức của tỉnh sau cuộc thi sáng tác do địa phương phát động.

    Cuối năm 2018, đúng dịp kỷ niệm 120 năm Phan Thiết được Nhà Nguyễn công nhận là thị xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử - văn hóa Tháp nước Phan Thiết. Đến năm 2022, kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, biểu tượng tháp nước lại sáng bừng trên logo, biểu ngữ của các sự kiện chào mừng ngày trọng đại này của toàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, Bình Thuận vinh dự đăng cai năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, biểu tượng tháp nước một lần nữa lại sáng bừng chào đón bạn bè khắp nơi.

Hình ảnh tháp nước trên pano kỉ niệm 30 năm tái lập tỉnh

    Từ những ngày đầu mới xây dựng cho đến bây giờ, đã ngót trăm năm. Dù trước bom đạn chiến tranh và môi trường khắc nghiệt, nhất là qua hai trận lũ lịch sử năm Nhâm Thìn (1952) và Quý Dậu (1993), Tháp nước Phan Thiết vẫn điềm tĩnh, đứng vững uy nghi giữa lòng thành phố. Ngày nay, dẫu không còn vai trò cung cấp nước, cũng đã ít nhiều xuống cấp, nhưng Tháp nước Phan Thiết luôn là điểm nhấn du lịch của thành phố biển mà bất cứ du khách nào cũng muốn ghé thăm.

    Có thể nói, ở đâu có khu vui chơi thiếu nhi, ở đó là hòa bình. Và Tháp nước Phan Thiết cũng chính là biểu tượng hòa bình của phố biển. Từ những năm 1990 nơi này là Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Thuận với khu vui chơi rộng lớn, rợp bóng mát quanh. Hiện nay thuộc sự quản lý, chăm sóc của Nhà thiếu nhi Thành phố. Công trình nhiều lần được chỉnh trang, tu sửa. Nơi đây đã tạo nên bao niềm vui, lưu giữ bao nụ cười, bao kí ức đẹp của tuổi thơ, của những người con xa xứ vẫn nhớ về như một biểu tượng của tỉnh Bình Thuận.

Tháp nước Phan Thiết - nàng thơ thi ca

    Tháp nước Phan Thiết không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc, mang đậm giá trị lịch sử, tòa tháp còn là nhân chứng, cùng vui, cùng buồn với sự đổi thay của đô thị Phan Thiết. Tháp nước còn là “nàng thơ” để giới nghệ sĩ, nhiếp ảnh, nhạc sĩ, họa sĩ lấy làm nguồn cảm hứng mà sáng tác nên bao tác phẩm nghệ thuật để đời. Có thể kể đến các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Hữu Thành, Trần Đình Hòa, Trần Đình Cường. Các tác phẩm hội họa, âm nhạc của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh.

    Nhạc sĩ Đặng Lê Thế Phi - Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận chia sẻ:  “Chỉ tính riêng các cuộc thi ảnh, sáng tác thơ, văn, nhạc do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, thì số lượng các tác phẩm nói về tháp nước, có hình ảnh tháp nước nhiều vô kể. Điều đó cho thấy tháp nước là biểu tượng, là nàng thơ với vẻ đẹp nghệ thuật ăn sâu vào tiềm thức, là niềm tự hào của giới nghệ sĩ, giới sáng tác như thế nào rồi.”

    Nhà nghiên cứu, nhà thơ Phan Bình cũng từng thể hiện nỗi nhớ chan chứa “nàng thơ tháp nước” trong bài “Tết bông vông”:

Nhớ về một thuở Tết Bông vông

Cưỡng hót mừng Xuân rộn rã lòng

Lầu nước thành Phan im lặng đứng

Dòng sông Mường Mán ngỡ ngàng trông

Niềm thương bằng trắc lưu hoài niệm

Nỗi nhớ điệu vần toại ước mong

Trở lại ngày xưa hồn lắng đọng

Bao điều một thuở Tết Bông Vông.

    Hàng vông đỏ và tháp nước xưa cũng khiến nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên nhớ nhung khôn nguôi. Dù không sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, nhưng quảng thời gian ngắn ngủi gắn bó với phố biển những năm còn trẻ đã làm ông say mê nàng thơ ngọt ngào này. Để rồi sau mấy mươi năm rời phố biển, đến lúc sinh sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh, trong những ngày nhớ nhung nàng thơ yêu kiều, đã khiến tâm hồn ông tuông trào những dòng nhạc mê đắm trong ca khúc “Phan Thiết thôi thương”, phổ thơ Quảng Ngôn Lê Ngữ: “Phan Thiết bây giờ không còn cánh vông rơi, đỏ một góc đường từng lê chân bước. Buổi chiều ngắm én về bên tháp nước, ngắm con thuyền ai thả lưới trên sông. Phan Thiết tôi thương tha thiết là đây.”

Bài thơ Tết bông vông

    Với nhiều người, điều gì quá thân thuộc thường dễ thành nhàm chán. Thế nhưng, nàng thơ Tháp nước lại luôn luôn là nguồn cảm xúc dạt dào của muôn vàn áng thơ, bản nhạc. Nhạc sĩ Phan Anh Dũng, người con của phố biển - gắn bó với tháp nước Phan Thiết suốt mấy mươi năm, từ những năm còn công tác tại Nhà thiếu nhi Tỉnh đến khi đã qua tuổi thất thập. Ngày ngày đi về bên sông Cà Ty vẫn đôi ba lần dừng lại ngắm nhìn “nàng thơ” đã tạo cho mình biết bao cảm xúc dạt dào mà sáng tác.

    Nhạc sĩ Phan Anh Dũng - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam nhỏ nhẹ nói: Tôi sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, một thời gian dạy thanh nhạc, đàn ở nhà thiếu nhi tỉnh. Đi về ngang tháp nước đã hun đút nhiều xúc cảm cho tôi trong các sáng tác. Dù có những bài không nói rõ tháp nước, nhưng hình ảnh của tòa tháp luôn ẩn hiện, luôn là nguồn cảm xúc cho tôi trong tất cả các tác phẩm về phố biển.

Tháp nước Phan Thiết xưa và bài thơ Ngày trở về Phan Thiết

    Trong “Tình ca Phan Thiết”, nhạc sĩ Lê Hoàng Chung cũng từng thổn thức: “Đây Phan Thiết bao ân tình chan chứa ngàn lời ca. Dòng sông Mương Mán ru nước trôi tiếng ngọt ngào. Đây lầu nước bóng nghiêng lặng nhìn chim én gọi đàn.” Có lẽ đó là nỗi niềm chung của những người con phố biển, mỗi ngày đều lại qua bên tòa tháp trầm mặc mà vững chải.

    Đời sẽ đổi thay, khi vui khi buồn, lúc thăng lúc trầm. Thời gian cứ thế trôi, nhưng biểu tượng của phố biển tươi xinh, niềm tự hào, người con yêu dấu của đất mẹ - Tháp nước Phan Thiết chắc chắn sẽ luôn in sâu trong trái tim của những ai đã từng được thấy, được đến bên “nàng thơ hòa bình” một lần trong đời.

Thuỳ Tiên - Trung tâm Văn hóa tỉnh

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang