Chùa Long Hải tọa lạc cách bờ biển phường Đức
Long 100m về hướng Bắc, hướng chính của chùa nhìn về hướng Tây Nam.Với vị thế
nằm trên đồi cát cao, sau lưng là động cát trải dài phủ đầy màu xanh của cây lá;
kết hợp với bờ biển phía trước chạy dài từ Bình Tú cho đến Mũi Né tạo cho khung
cảnh nơi đây vừa thanh tịnh, vừa thơ mộng, hữu tình thích hợp làm nơi tu hành
và Phật tử cùng du khách vãng chùa bái Phật.
Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo tại
làng Tú Luông xưa kia nói riêng và Bình Thuận nói chung gắn với quá trình di
dân của đại bộ phân cư dân các tỉnh phía Bắc và Nam lập nghiệp. Trong lớp di
dân đó có những Nhà sư, họ mang theo giáo lý Phật giáo vào Nam khai sáng, lấy
đạo hạnh và từ bi để làm chỗ dựa tinh thần cho cư dân trong buổi đầu khai lập
cuộc sống mới. Mặc khác, giáo lý Phật giáo dễ dàng thấm nhuần vào tâm thức của
người dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Làng Tú
Luông, xưa kia được hình thành khá sớm so với các làng khác ở Phan Thiết, đây là
nơi sầm uất, tập trung cư dân đến sinh sống đông đúc; như chúng ta đã biết đối
với bộ phận cư dân phía Bắc khi vào Nam khai khẩn đất đai lập làng mới, việc
đầu tiên là họ tạo dựng đình để thờ Thành hoàng Bổn cảnh. Rất tiếc các tư liệu
liên quan đến niên đại dựng đình đã thất lạc, hiện nay chỉ còn thanh xà cò khắc
chữ Hán Nôm ghi lại niên đại năm trùng tu đình là năm Tân Sửu (1871). Ngoài
đình làng Tú Luông, ở đây còn tồn tại 2 ngôi chùa làng Tú Luông đó là chùa Linh
Sơn và chùa Long Hải, điều đó chứng tỏ Phật giáo đã phát triển và có chỗ đứng tinh
thần trong lòng Phật tử và nhân dân nơi đây trong buổi đầu khai lập làng.
Xưa kia chùa Long Hải là một thảo am nhỏ do nhân dân
địa phương mộ Phật dựng lên để thờ Tam Bảo. Năm Duy Tân thứ 3 (1909) Sư Từ Nhơn
ở chùa Linh Sơn phát tâm đến am tranh này để trụ trì và hoằng hóa phật pháp, do
đó nhân dân đóng góp xây dựng chùa và đặt hiệu là “Long Linh Tự”. Năm
Khải Định thứ nhất (1916) Nhân dân địa phương và phật tử góp công, tiền của xây
dựng chùa tường gạch, vôi vữa và mái ngói âm dương thay ngôi chùa tranh và đổi
tên là “Long Hải Tự”. Hòa thượng Nguyên Lý hiệu Từ Quang được Hòa thượng Tâm
Hiền chùa Long Đoàn (Hàm Thuận Nam) tranh cử đưa về làm trụ trì chùa Long Hải.
Sau khi Hòa thượng Tâm Hiền viên tịch thì Hòa thượng Từ Quang về lại chùa Long
Đoàn để trụ trì. Hiện nay, tại gian thờ Tiêu Diện Đại Sĩ còn lưu giữ thanh xà
cò khắc bằng chữ Hán nôm ghi lại năm tôn tạo với nội dung: “Năm Nhâm Tuất
(1922) mạnh hạ đồng cát tạo”.
Tổng
thể các hạng mục kiến trúc ở đây gồm 3 nóc và được phân bố theo chữ Điền. Nhìn
từ cổng vào, Chính điện thờ Phật nằm bên hữu, bên tả là Thanh Minh thờ Tiêu
Diện Đại Sĩ, Thập Loại Cô Hồn (do đó
chùa Long Hải còn được gọi là chùa Mã Lạn), Bà Thai Sanh, Cửu Thiên Huyền Nữ,
Quan Thánh Đế Quân và gian thờ Tiền - Hậu hiền có công khai lập chùa nằm ở giữa
lùi về phía sau.
Kiến
trúc chung của chùa được xây dựng trang hoàng, bề thế và cổ kính; bộ khung sườn
được lắp ghép bằng các loại gỗ quý theo dạng kiến trúc “tứ trụ” gồm 4 và 8 cột chính ở
giữa, các cột quân, cột hạ tỏa ra xung quanh liên kết với con đội, kèo, trính,
xiêng ngang để bộ khung đứng vững. Các con đội được tạo dáng bình hoa, ở dưới
phình to đặt giữa thân vình trính, lên trên thu nhỏ dần nâng đỡ thượng lương;
tất cả các vì kèo, trính chạm khắc thành sáu cạnh duyên dáng và đầu khắc tạo
thành đầu giao long tinh tế. Bên trên mái lợp ngói âm dương và bên trên các
đường diềm mái trang trí các hình tượng nghệ thuật gắng với quan niệm dân gian
xưa và của Phật giáo như: lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu chữ Vạn, hình
tượng giao long, kỳ lân bằng sứ men xanh và đắp nổi bằng vôi vữa.
Các hạng mục kiến trúc chùa Long Hải nhìn từ Cổng vào
Điện
thờ Phật kiến tạo hai nóc trên trục thẳng theo thứ tự trước sau, trung tâm nội
thất đặt Điện thờ Phật; Chính giữa là tượng Phật Thích Ca ngồi đài sen, hai bên
là Quan Âm, Địa Tạng và phía trước đặt tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Hai
bên và bên trên diện thờ trang trí các lọng khám bằng gỗ chạm khắc các hình
tượng nghệ thuật dân gian sống động và mang tính mỹ thuật cao như: lưỡng long
chầu mặt trời, hình tượng hai con rồng trong tư thế vẫy vùng vờn mây.
Nội
thất gian thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, ở giữa là khám thờ pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
hóa thân Tiêu Diện Đại Sĩ, tượng rất lớn và trong tư thế ngồi ngai, bên hữu là
khám thờ tượng Bà Thai Sanh và Cửu Thiên Huyền Nữ, bên tả là khám thờ Quan
Thánh Đến Quân. Lọng khám xung quang các khám này được chạm khắc các hình tượng
nghệ thuật dân gian xưa tạo nên những tác phẩm điêu khắc trên gỗ mang tính nghệ
thuật cao. Ngoài ra, trước và trên các khám còn trang trí những bức hoành phi,
liên đối khắc bằng chữ Hán nôm trên gỗ và có nội dung ca ngợi công đức, sự linh
hiển của các vị thần, cảnh đẹp của làng Tú Luông ngày trước.
Nơi
đây, còn lưu giữ 02 sắc phong của đời vua Khải Định phong cho Tiêu Diện Đại Sĩ
và Quan Thánh Đế Quân; ngoài ra còn lưu giữ một số di vật có giá trị khác như:
bài vị của các bậc tiền nhân khai lập chùa, các khám thờ, hương án được làm
bằng gỗ, chạm khắc các họa tiết, hình tượng dân gian xưa như rồng, hoa cúc và
dây leo rất đẹp và đầy tính nghệ thuật; tượng thờ bằng đất, gỗ; đại hồng chung,
bát bửu và một số đồ tế tự khác.
Hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, tại chùa
thường tổ chức hội làm chay để cúng cầu siêu có các oan hồn, ngoài ra đông đảo
nhân địa phương và một số vùng lân cận ở Phan Thiết còn đến chùa bái Phật, Quan
Thánh, Tiêu Diện Đại Sĩ vào các ngày rằm, mùng một trong tháng, đặc biệt chùa
tổ chức các lễ cúng lớn vào ngày mùng 9/9, rằm tháng mười, lễ Phật Đản, Tết…
Chùa Long Hải với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến
trúc nghệ thuật, vị trí tọa lạc như trên; đây là nơi hấp dẫn cho du khách trong
những chuyến đi hành hương lễ chùa bái Phật, nghĩ mát tắm biển, khám phá vẻ đẹp
kiến trúc cổ, tìm hiểu lịch sử hình thành và tồn tại của Phật giáo ở làng Tú
luông nói riêng và Phan Thiết nói chung.
Bài và ảnh: Nguyễn Chí Phú