Khám phá đảo Hòn Tranh ở Phú Quý
Lượt xem: 243
            Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100km) về hướng Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540km về hướng Tây Nam và cách Hoàng Sa khoảng 725km. Diện tích đảo Phú Quý kể cả các hòn đảo lẻ là 32 km vuông. Đảo chính Phú Quý rộng 17,92 km vuông, chiều dài 7km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 4,5km. 

        Xung quanh Phú Quý có nhiều hòn đảo lớn nhỏ tạo thành một quần đảo. Nhân dân địa phương gọi đó là những “hòn lẻ”. Ngoài đảo chính các hòn đảo khác được chia thành hai khu vực cách nhau từ 27 đến 35 hải lý. Khu vực thứ nhất có 6 hòn lẻ, gồm: Hòn Trứng, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Trào và Hòn Chiêng. Khu vực thứ hai có 4 hòn lẻ, gồm: Hòn Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ và Hòn Tý.

    Hòn Tranh là hòn lẻ lớn nhất trong quần thể các đảo nhỏ ở Phú Quý, nằm cách đảo lớn khoảng 1,5km về phía Đông Nam. Hòn Tranh có dạng như chữ S, diện tích 2,8km2, nơi rộng nhất 400m và nơi dài nhất là 1.000m. Trước kia là một đảo hoang, cỏ tranh mọc um tùm nên được gọi là Hòn Tranh.

anh tin bai

Đảo Hòn Tranh nhìn từ hướng đảo lớn Phú Quý. Ảnh: Nguyễn Chí Phú

    Cảnh đẹp đảo Hòn Tranh nhìn từ xa cây cối xanh mát, nhìn về phía Tây ta bắt gặp vết tích khối nham thạch của núi lửa hoạt động trước đây để lại tạo nên hình thù kỳ lạ và đẹp mắt; nhìn xuống toàn cảnh “Vũng Phật” có các khối đá nham thạch có màu đỏ đen kỳ bí mông lung và huyền diệu. Hòn Tranh được bao bọc bởi những dốc núi cao. nên biển ở đây khá yên ắng, ít sóng lớn. Nước biển luôn xanh ngát và có thể nhìn thấy tận đáy, chính vì thế san hô rất phát triển với đủ màu sắc khác nhau tạo nên một hệ sinh thái dưới nước vô cùng phong phú và sống động. Nhiều du khách đến đây luôn tranh thủ lặn ngắm san hô và đắm mình dưới nước biển mát lạnh. Những bãi đá ở đây cũng là môi trường lý tưởng cho các loài cá nhỏ ẩn nấp, nên du khách không thể bỏ qua hoạt động giải trí câu cá khi đến đây.

    Theo tương truyền của người dân trên đảo, trong những đợt giao tranh với nghĩa quân Tây Sơn, những lúc bại trận Nguyễn Ánh cùng các tướng lĩnh và binh sĩ thường bôn tẩu ra đảo Phú Quý để trú ẩn, trên đảo Hòn Tranh còn lưu lại một số di tích liên quan đến Nguyễn Ánh và tùy tướng của Ông, trong đó có một giếng nước ngọt mà người dân trên đảo quen gọi là giếng “Gia Long” để tưởng nhớ đến những tháng ngày Nguyễn Ánh cùng các tuỳ tướng của Ông đã từng lưu trú và sử dụng nước tại giếng này để phục vụ sinh hoạt. Giếng sâu 7m, được xây bằng đá san hô, thành giếng cao 80cm, đường kính 1,2m; năm cách miếu Trấn Bắc khoảng 200m về hướng Đông Nam.

anh tin bai

Miếu Trấn Bắc trên đảo Hòn Tranh. Ảnh: Nguyễn Chí Phú

    Trên đảo Hòn Tranh còn có một ngôi miếu Trấn Bắc được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX. Trên bàn thờ Thần ở Chính điện ngôi miếu đặt hai bài vị của Bùi Quận công và Nữ thần Thiên Y A Na. Nội dung bài vị của Bùi Quận công như sau: Cung thỉnh Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Bùi Quận công Thượng đẳng thần. Tạm dịch: Kính mời thần Thượng đẳng Bùi Quận công là Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo an vị.

    Căn cứ vào bài vị có thể xác định “ông Trấn Bắc” vốn họ Bùi, giữ chức Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công. Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, tước vị Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công từng được ban cho Bùi Tá Hán. Và tên gọi “ông Trấn Bắc” là do nhân dân yêu mến đặt cho ông - người vốn rạng danh với công bình trị và khai phá vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ 17.

    Miếu Trấn Bắc nằm trên mặt Bắc của đảo Hòn Tranh và hướng chính nhìn về phía Tây Nam. Tổng thể kiến trúc đền thờ gồm có các hạng mục: Cổng chính, Chính điện, nhà Khói và lăng thờ thần Nam Hải (cá Voi). Trung tâm nội thất Chính điện đặt 3 khám thờ, khám giữa thờ Trấn Bắc và Thiên Ya Na, hai khám hai bên tả hữu thờ Tiền hiền và Hậu hiền.

    Khám giữa lắp ghép bằng gỗ có kích thước bề ngang 1,7m x bề rộng 50cm x cao 1,7m. Trên khám thờ chữ thần, lọng khám xung quanh chạm khắc các họa tiết lưỡng long tranh châu, đề tài tứ linh và thờ hai bài vị khắc chữ Hán Nôm. Hai khám thờ tả và hữu lắp ghép giống nhau có kích thước bề ngang 1m, rộng 30cm và cao 1,6m. Lọng khám bên trên và hai bên chạm khắc lưỡng giao tranh châu, chim phượng và một số câu đối.

    Tại miếu Trấn Bắc còn lưu giữ một số hoành phi treo phía trước các khám thờ, giá  treo chiêng và trống. Trống  sấm có đường kính 55cm x dài 50cm x chi vi thân 185cm và chiêng có đường kính 42cm x dày 6cm.

    Mặt trước của 4 cột ở tứ trụ chạm khắc các câu đối chữ Hán Nôm như sau:

聖德扶邦擁勇聲名封卓偉

神公輔世通知普達賞靜籩

Phiên âm:

Thánh đức phù bang, ủng dũng thanh danh phong Trác vĩ

Thần công phụ thế, thông tri phổ đạt thưởng Tĩnh biên

Tạm dịch:

Đức thánh phò nước, uy dũng tuổi tên còn đó, xứng phong thần Trác vĩ

Công thần giúp đời, thấu suốt thông tường mọi lẽ, đáng thưởng bậc Tĩnh biên

anh tin bai

Lăng thờ thần Nam Hải trên đảo Hòn Tranh. Ảnh: Nguyễn Chí Phú

    Bên phải Chính điện miếu Trấn Bắc, nằm lùi về phía sau xây một lăng thờ thần Nam Hải (cá Voi) có diện tích bề ngang 4,5m x bề dọc 3,55m và bên trong lưu giữ 72 bộ xương cá Voi trôi dạt vào đảo Hòn Tranh từ trước đến nay. Theo tương truyền của người dân trên đảo, năm đó không biết vì lý do gì mà cùng một lúc có 72 con cá voi chết và trôi dạt lên đảo Hòn Tranh. Người dân địa phương đã làm lễ an táng, sau đó xây lăng tẩm và thỉnh ngọc cốt của 72 vị nói trên đưa vào thờ phụng.

    Các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho Bắc Quân Đô Đốc 3 sắc phong với tước vị “Khuông quốc Tĩnh biên Mậu công Huy liệt Trác vĩ Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự  Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần” và chỉ dụ cho ba làng Hội An, Triều Dương, Mỹ Khê thờ phụng. Trong đó có một sắc phong của niên hiệu vua Đồng Khánh năm thứ 2 phong cho Bắc Quân Đô Đốc và Nam Hải Cự Tộc Ngọc lân tôn thần. Tất cả các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, xã Tam Thanh, đến ngày cúng tế tại miếu Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh sang miếu Trấn Bắc tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để thờ phụng.

    Sau đây là nội dung và các đời vua triều Nguyễn đã phong sắc:

    - Sắc Tự Đức ngày 29 tháng 11 năm thứ 5 phong cho Bắc quân Đô đốc và truyền chỉ cho ba làng Mỹ Khê, Triều Dương, Hội An thờ phụng.

    - Sắc Đồng Khánh ngày 01 tháng 7 năm thứ 2 phong cho Bắc quân Đô đốc, Nam Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần và chỉ dụ cho ba làng Mỹ Khê, Triều Dương, Hội An thờ phụng.

    - Sắc Khải Định ngày 25 tháng 11 năm thứ 9 phong cho Bắc quân Đô đốc và chỉ dụ cho ba làng Mỹ Khê, Triều Dương, Hội An thờ phụng.

anh tin bai

Sắc Tự Đức ngày 24 tháng 11 năm thứ 33 phong cho Quan Thánh Đế Quân, Bắc Đô đốc phủ chưởng phủ sự, thần Nam Hải Cự tộc ngọc lân (lưu giữ tại vạn An Thạnh, xã Tam Thanh). Ảnh: Nguyễn Chí Phú

    Tại miếu Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng ba cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng tám Âm lịch cúng Ông Trấn Bắc. Hàng năm vào các dịp lễ tế xuân, thu và giỗ vị Cố vào 15 tháng 10 Âm lịch được tổ chức tại vạn An Thạnh, Nhân dân thường khấn vọng sang ngôi miếu bên Hòn Tranh mời ông về tham dự. Miếu thờ Ông ở Hòn Tranh tương truyền rất linh hiển, vì vậy Nhân dân trên đảo vẫn thường lui tới thắp nhang, cầu xin mưa thuận gió hòa, đi biển bình an và được mùa cá bội thu.

    Du khách đến đảo Hòn Tranh ngoài thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, cũng như lội bộ dọc hòn đảo để ngắm nhặt san hô, câu cá… nghe những câu chuyện về Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi và đến đảo này sinh sống; cũng như nghe kể về Bùi Tá Hán và sự linh hiển của miếu Trấn Bắc trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân trên đảo Phú Quý.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Phú

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang