Khám phá thắng cảnh Chùa Linh Sơn và núi Cao Cát ở Phú Quý
Lượt xem: 2629
       Chùa Linh Sơn và núi Cao Cát là quần thể di tích tôn giáo và danh lam thắng cảnh phối kết hợp hình thành nên giá trị giữa kiến trúc văn hóa Phật giáo do con người tạo dựng nên và cùng với cảnh đẹp thiên nhiên do lịch sử kiến tạo địa chất hình thành nên đảo Phú Quý từ hàng triệu năm trước, tạo nên bức tranh sơn thủy đẹp tuyệt vời, cảnh sắc hữu tình, ấn tượng khó quên cho những ai một lần đặt chân đến đây và tạo thành điểm đến nổi tiếng ở đảo Phú Quý. Người dân đảo Phú Quý xem núi Cao Cát là ngọn núi linh thiêng, ngoài chùa Linh Sơn, trên đỉnh núi đặt một tượng Phật Quan Thế Âm đứng hướng mặt ra biển cả mênh mông và giữa bốn bề lộng gió.

    Chùa Linh Sơn và núi Cao Cát nằm cách Ủy ban nhân dân xã Long Hải 1km về hướng Tây Nam, cách Ủy ban nhân dân huyện và cảng Phú Quý khoảng 4km về hướng Đông Bắc. Các phương tiện giao thông đường bộ đều đi đến chân núi dễ dàng, sau đó đi bộ theo các bậc thang bằng đá để lên chùa Linh Sơn và lên đỉnh núi ngắm cảnh. 

    Chùa Linh Sơn tọa lạc trên sườn núi Cao Cát có cao độ 61m so với mực nước biển trung bình; được bà Trần Thị Tấn huy động giới Phật tử và nhân dân trên đảo đóng góp xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Trải qua thời gian, ngôi chùa trở thành địa điểm linh thiêng được đông đảo tín đồ Phật tử, người dân trên đảo và du khách đến khấn bái Phật và ngắm cảnh. Tổng thể kiến trúc chùa Linh Sơn với những hạng mục kiến trúc được tạo dựng khá khang trang, bề thế và mang đậm những giá trị văn của hóa Phật giáo, gồm: Cổng chính, Chính điện, nhà Tăng, nhà Khách, hệ thống bậc thang đá từ dưới chân núi lên đến chùa và một số hạng mục phụ cận  khác.

Chùa Linh Sơn

    Cổng chính của chùa nằm bên sườn Tây Bắc của ngọn núi Cao Cát, từ chân núi đi hết mấy chục bậc thang mới đến cổng. Du khách đi trên đoạn đường này vừa trải nghiệm cảm giác chinh phục độ cao, vừa ngắm cảnh cây cỏ dại mọc hai bên lối đi tạo cho ta một cảm giác an lạc giữa chốn núi rừng thiêng nhiên hoang dã, mộc mạc và đầy sức hấp dẫn. Khi đến Cổng chính, chúng ta bắt gặp trên trụ cổng đắp nổi câu đối có nội dung ca ngợi vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính của ngôi chùa và ngọn núi Cao Cát cao vút sừng sững giữa hòn đảo xa xôi này:

靈山一會儼然相非是相 

高閣百層屹立生即無生 

Phiên âm:

Linh Sơn nhất hội, nghiễm nhiên tướng phi thị tướng

Cao Các bách tằng, ngật lập sinh tức vô sinh

Tạm dịch:

Linh Sơn một hội, dáng trang nghiêm tướng không là tướng

Cao Cát trăm bậc, đứng đơn độc sinh nhưng chẳng sinh.

    Bước qua khỏi cổng chính đi thêm một số bậc thang nữa chúng ta sẽ bắt gặp ngôi Chính điện có diện tích 110m2, được kiến tạo với ba tầng mái chồng lên nhau trông tựa như một tòa tháp cổ, tầng dưới tỏa rộng và càng lên cao càng thu nhỏ dần. Mỗi tầng mái được kiến tạo theo dạng bốn mái lợp ngói âm dương, các góc mái vuốt cong hình tàu đao, bên trên trang trí các phù điêu giao long và hoa sen. Tầng đỉnh mô phỏng dạng hình tròn giống như nón lá và trên đỉnh đắp nổi trang trí một đóa hoa sen đang nở. Mô hình kiến trúc của tầng đỉnh đã tô điểm thêm nét nổi bật, lộng lẫy, vừa kín đáo, cổ kính, vừa trang nghiêm cho ngôi chùa.

    Bước vào bên trong Chính điện là một khung cảnh mang đậm dấu ấn Phật giáo, được trang trí, đắp nổi hệ thống các câu đối chữ Hán Nôm có nội dung thể hiện lòng thành kính của tín đồ, ca ngợi đức tốt của Phật và khuyên con người nên tu tâm, dưỡng tính và tích đức làm điều thiện; các vì cột nâng đỡ tầng mái ở đây được đắp nổi một con rồng quấn quanh thân tạo nên khung cảnh uy nghiêm, mặt vách trước và hai bên nội thất điện thờ Phật đắp nổi các ô hình chữ nhật trang trí những điển tích của Phật giáo. Điện thờ Phật đặt ở vị trí trung tâm, bài trí tượng Thích Ca Mâu Ni cao 2m ngồi trên tòa sen, hai bên đặt nhiều pho tượng và trong đó có Quan Thế Âm Bồ Tát với 18 tay đang trong tư thế ngồi thiền. Bên phải Điện thờ Phật thờ Quan Thế Âm và bên trái thờ Địa Tạng. Nằm đối lưng với Điện thờ Phật ở phía sau bài trí 5 khám thờ Tổ Đạt Ma, Quan Thánh Đế Quân và bài vị các Nhà sư có công khai lập chùa, trông nom, gìn giữ chùa từ trước đến nay. Phía trước Điện thờ Phật là một am nhỏ thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trái là nhà Tăng, bên phải là nhà Khách và nhà Khói nằm về phía sau.

Núi Cao Cát

    Thiên nhiên ưu đã kiến tạo ra núi Cao Cát với đá và đất, đá ở trên đỉnh núi là những khối đá đen như dạng tổ ong xếp chồng lên nhau tạo thành từng tầng lớp nhìn chênh vênh, nhưng vững chắc giữa bốn bề lộng gió; cũng chính từ sức gió mà những khối đá đen này theo thời gian chịu áp lực đã bị phong hóa bào mòn tạo thành những hình thù kỳ quái và vô cùng độc đáo chỉ có riêng nơi đây mà không nơi nào có được. Khung cảnh trên đỉnh núi rất thơ mộng, những bãi đá khổng lồ nhiều hình thù kì dị, những hang núi, vách núi tạo ra nhựng đường vân gợn sóng rất đẹp, những hình xoáy tròn từng tầng và những hình nấm khổng lồ. Từ trên đỉnh núi nhìn ra xa là những doi cát trắng trải dài dọc theo bờ biển bên làn nước màu xanh ngọc bích, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát ra xa suốt cả một không gian rộng lớn của đảo và cảnh sinh hoạt đánh bắt cá, các loại ghe thuyền của ngư dân trên biển. Giữa khung trời, khung cảnh bình yên đẹp tuyền vời như thế, du khách sẽ tìm về cảm giác an nhiên, quên đi moi ưu phiền, lo âu sau những ngày lao động, mưu sinh.

    Đến đảo Phú Quý, chùa Linh Sơn và núi Cao Cát là một trong những điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn mà du khách phải đến. Điều đáng lưu ý, khi đến núi Cao Cát du khách mặc trang phục, hành trang gọn nhẹ, đi giày thể thao để chinh phục các bậc thang từ châng núi lên đỉnh núi và mang theo nón rộng vành để che nắng.

                                                                                Nguyễn Chí Phú

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang