Cứ mỗi dịp xuân về, người dân thôn Bình Liêm,
xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình lại rộn rã, háo hức đón chờ Lễ hội Tế Xuân
(còn gọi là lễ Tống na) diễn ra tại miếu làng Liêm Công. Đây là lễ hội văn hoá
dân gian truyền thống đã tồn tại từ bao đời nay, mang dấu ấn về văn hoá, phong
tục tập quán của người Việt ở vùng đất Nam Trung bộ từ những năm đầu của thế kỷ
XIX.
Miếu Liêm Công tọa lạc tại thôn Bình Liêm, xã
Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Miếu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII
- đầu thế kỷ XIX để thờ Quan Thánh đế quân, Thành hoàng Bổn cảnh, Bà Thiên Hậu, Tiền hiền, Hậu hiền và những người
có công khai khẩn đất đai lập làng, dựng Miếu và phát huy giá trị phục vụ sinh
hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng làng xã.
Trải qua quá trình tồn tại hàng trăm năm, miếu
Liêm Công ngày nay vẫn duy trì thực hành cơ bản đầy đủ các nghi thức, lễ hội
theo phong tục truyền thống; cũng như thu hút đông đảo các thành viên trong cộng
đồng hưởng ứng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân.
Từ xưa đến nay, lễ hội Tế Xuân (còn gọi là lễ
Tống na) tại miếu làng Liêm Công diễn ra liên tục trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng
Âm lịch theo thông lệ hàng năm. Nghi lễ chính của lễ hội gồm: Lễ Thỉnh sanh, Lễ
Tống na và Chánh lễ tế Thần. Đây là lễ cúng đầu năm sau khi ăn Tết cổ truyền của
dân tộc xong, là dịp dân làng thành kính dâng lễ đến các vị thần linh với mong
muốn tống tiễn đi những điều không may mắn trong một năm vừa qua và nguyện cầu
trong năm mới cho mưa thuận gió hoà, vụ mùa bội thu, may mắn và thành công hơn
trong cuộc sống.
Nghi lễ Thỉnh sanh là một trong những lễ tế mở
đầu cho lễ hội Tế Xuân năm nay, đây là nghi lễ cổ xưa mà hầu hết các đình, miếu,
lăng vạn nào thờ Thần đều cúng tế; với ý nghĩa vạn vật sinh sôi, nảy nở. Vật tế
là 1 con heo trắng toàn sinh, toàn sắc và được chọc tiết để hiến tế các vị thần
linh. Ngày nay để tránh đi cảnh tượng giết mổ trong đình, miếu… nên ở nhiều nơi
và miếu Liêm Công cũng không ngoại lệ, đã thay thế vật tế là con heo sống đã được
mổ xong ở bên ngoài rồi mới mang lên khám thờ Thần để làm lễ cúng tế. Điểm đặc
biệt của lễ hội Tế Xuân tại đây là tục lệ thả thuyền tống ôn có từ lâu đời trong
nghi lễ Tống na diễn ra lúc 4 giờ sáng ngày 16 tháng Giêng Âm lịch. Với ý nghĩa
cúng tế cho những linh hồn chưa được siêu thoát, cầu nguyện để họ không quấy
nhiễu đến cuộc sống của dân làng và ước nguyện một năm mới với vạn sự hanh
thông, tốt đẹp.


Một chiếc thuyền lễ được làm từ thân cây chuối,
bên trên thuyền có dán giấy và tô vẽ như một con tàu lớn chuẩn bị ra khơi; biểu
trưng cho nghi thức thả thuyền trên sông hiện nay vẫn còn tồn tại ở một số các
đình, miếu. Sau lễ tế, thuyền lễ được những thanh niên trong làng cùng với Ban
Nghi lễ đưa ra bờ sông gần Miếu để thực hiện nghi thức thả thuyền. Ra đến bờ
sông, thuyền lễ được thả xuống dòng nước, Chánh tế đốt hương khấn niệm, sau đó
lấy giấy vàng mã trên thuyền đốt, tiếp đó thuyền lễ được đẩy trôi theo dòng nước
về hạ nguồn. Sau khi thực hiện nghi thức thả thuyền xong họ quay trở lại Miếu,
trong lòng mỗi người đều hy vọng và xem như đã tống khứ những gì không sạch sẽ
trong làng theo dòng nước trôi đi, họ tin rằng bước sang năm mới mọi người
trong cộng đồng sẽ có nhiều sức khỏe, tiền tài, may mắn, an lành và hạnh phúc.

Kết thúc nghi thức thả thuyền, Ban Nghi lễ và
bà con dân làng trở về, vào bên trong điện thờ chính của Miếu để chuẩn bị lễ vật
thực hiện nghi lễ Chánh tế thần theo tập tục. Đây là thời điểm thiêng liêng,
linh thiêng nhất mà mỗi thành viên trong Ban Nghi lễ cũng như người dân trong cộng
đồng tham gia thực hành và chứng kiến lễ hội đều tập trung với cả tấm lòng
thành kính, đầy niềm tin tín ngưỡng và tin rằng các vị thần linh sẽ thấu hiểu,
phù trợ cho những ước nguyện của họ.
Lễ hội tế Xuân tại miếu Liêm Công kết thúc trong
không khí ấm áp, vui tươi, phấn khởi, chân tình và tràn đầy niềm tin hy vọng ở
mỗi cá nhân trong cộng đồng tham gia lễ hội; họ cùng nhau hội tụ, sum vầy bên
nhau dùng những lễ vật vừa được dâng tế các vị thần, vừa ôn lại lịch sử, văn
hóa truyền thống của làng; cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong làm ăn và cuộc
sống thường ngày… Từ đó, góp phần làm cho các thành viên trong cộng đồng hiểu,
chia sẻ, thông cảm nhau hơn, thắt chặt mối đoàn kết, tương trợ, chung tay xây dựng
quê hương, xóm làng ngày một thêm khang trang và giàu đẹp.
Tác giả: Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn
Nguồn:
Bảo tàng tỉnh Bình Thuận