Sắc hội Katê 2024
Lượt xem: 185
     Đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày 01/7 Chăm lịch, cộng đồng người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lại hành hương về tháp Pô Sah Inư để tổ chức lễ hội Katê. Năm nay, lễ hội Katê diễn ra từ ngày 01 - 02/10/2024.

    Lễ hội Katê năm nay phần lễ vẫn diễn ra theo đúng tập tục truyền thống đã được ấn định với nhiều nghi thức lễ kéo dài từ ngày 01 - 02/10. Tất cả các nghi lễ được thực hiện bởi các chức sắc người Chăm tại tháp Chính. Bên cạnh phần lễ, phần hội vẫn duy trì với các loại hình trò chơi dân gian, với mục đích làm tăng thêm không khí cho lễ hội, cũng như khơi dậy một số nét sinh hoạt trong lễ nghi, hội hè, sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người Chăm mà ít khi chúng ta có cơ hội chứng kiến.

    Dạo một vòng quan sát lễ hội, ta sẽ bắt gặp các hội thi, trò chơi diễn ra hết sức thú vị, do chính các nghệ nhân người Chăm thể hiện với nét mộc mạc, chân quê vốn có của những con người quanh năm gắn bó với ruộng đồng, ít có dịp được tổ chức, được tự mình trình diễn, thi thố.

    Khai màn cho phần hội là môn thi “thổi kèn Saranai” vào lúc 9 giờ ngày 01/10. Du khách và công chúng được thưởng thức những khúc nhạc mang âm hưởng dân ca Chăm do các nghệ nhân không chuyên đến từ 6 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh) trình diễn, phần thi này hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách, công chúng không khí vui tươi, nhộn nhịp qua tiếng kèn Saranai réo rắt, trầm bổng, xen lẫn tiếng trống  Ghi năng làm nền, giữ nhịp.

anh tin bai

    Ngay sau phần thi thổi kèn Saranai là phần thi vận động, môn thi “Đội nước vượt chướng ngại vật”.

    Đây là trò chơi được đông đảo bà con người Chăm, du khách quan tâm nhiều nhất, bởi mang đến một không khí vui nhộn, náo nức khi trò chơi diễn ra. Thật tài tình khi các “dụ” đựng nước được các người chơi đội trên đầu mà không cần dùng tay đỡ. Thông qua trò chơi, phần nào cho ta thấy được cảnh lấy nước sinh hoạt thường ngày tại các sông suối của đồng bào Chăm xưa. Cũng chính từ cảnh sinh hoạt này mà nhạc sĩ Amưnhân - một người con dân tộc Chăm đã cho ra đời nhạc phẩm nổi tiếng “Bến nước tình yêu” mang âm hưởng dân ca Chăm, tái hiện cảnh những đôi trai gái người Chăm hẹn hò, chơi đùa bên dòng suối.

    Vào lúc 14 giờ ngày 01/10 là phần thi “Đơm lễ vật trên Thôn la và Cổ bồng” để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư và các thần linh. Đây là phần thi hứa hẹn nhiều điều thú vị, được công chúng thưởng lãm rất đông, vì đây là nghi thức mà chúng ta không bắt gặp trong sinh hoạt thường ngày, chỉ được thực hiện trong những lễ nghi quan trọng tại các đền tháp, hấp dẫn hơn vì phần thi này được thực hiện bởi các nghệ nhân nam, những người đàn ông quanh năm quen với việc đồng áng, nhưng họ thật sự là những nghệ nhân đích thực khi trổ tài, đặc biệt hơn nữa việc này chỉ có các nghệ nhân nam đảm nhận và thực hiện trong các lần tổ chức lễ nghi theo truyền thống, các chị em phụ nữ không quen cũng như không thuần thục việc xoay cổ trầu trên Thôn la.

    Kết thúc một ngày sôi động đầu tiên của phần hội, chúng ta lại tiếp tục đến với phần hội của ngày hôm sau, với những môn thi độc đáo, hấp dẫn. Nhưng trước tiên hãy hòa mình vào một đêm sôi động, một đêm của tiếng hát, tiếng trống, những điệu múa, lời ca qua phần thể hiện của các nghệ nhân, chàng trai, cô gái người Chăm. Khi màn đêm buông xuống chính là giây phút được chờ đợi nhất, đó là chương trình văn nghệ dân gian Chăm (diễn ra vào tối 01/10). Năm nay, các tiết mục văn nghệ của 6 huyện sẽ mang đến cho du khách và công chúng một món khai vị thật sự ấn tượng; đây sẽ là một bữa tiệc tinh thần khó quên mà Ban tổ chức dành tặng cho đông đảo công chúng và du khách.

     Vào sáng hôm sau (ngày 02/10), ngay sau phần Khai mạc Lễ hội, du khách và công chúng lại hòa mình vào không khí phần hội.

    Môn thi “Giã gạo” đây là phần thi mang tính hấp dẫn, sôi động nhất, quy tụ các nghệ nhân đến từ 6 huyện tham gia. Các nghệ nhân nam sẽ thực hiện động tác giã gạo, từng nhịp chày lên xuống đều đặn, tạo âm thanh vui nhộn, đều đặn, hòa trong tiếng reo hò, cổ vũ. Từ những hạt thóc ban đầu sẽ cho ra những hạt gạo trắng tinh, không bể nát qua đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Chăm với nhịp đưa lên hạ xuống của nia sẩy lúa.

anh tin bai

    Song hành với các phần thi trên, du khách có thể tự mình tham gia vào trò chơi “Bịt mắt đập niêu”. Đây là phần thi được duy trì và tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia, đặc biệt một số du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi được tự mình tham gia trong sự hò reo của đông đảo người đến tham quan, viếng lễ.

    Ngoài những hoạt động chính yếu kể trên, du khách có thể được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm những ngành nghề truyền thống dân tộc Chăm (dệt thổ cẩm, làm gốm, nắn bánh gừng) do các nghệ nhân trình diễn; tham quan gian trưng bày bảo vật quốc gia Linga vàng và các hiện vật, hình ảnh văn hóa Chăm.

    Có thể nói, ngoài phần lễ được thực hiện theo đúng phong tục truyền thống, thì phần hội ít nhiều mang lại cho du khách cái nhìn về đời sống sinh hoạt thường ngày, sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng thông các phần thi mang đậm sắc thái văn hóa Chăm. Lễ hội Katê chính là giây phút thiêng liêng ngắn ngủi của đời thường đánh thức tháp Chăm cổ kính dưới lớp bụi thời gian.

 Tin, ảnh: Minh Thuận

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang