Kiến trúc độc đáo của chùa Long Ngự
Lượt xem: 291
          Trên địa bàn thành phố Phan Thiết có nhiều ngôi chùa cổ mang kiến trúc truyền thống Phật giáo hệ phái Bắc Tông nổi tiếng như: Chùa Phật Quang, phường Hưng Long; chùa Liên Trì, phường Đức Nghĩa; chùa Từ Quang, phường Phú Trinh; chùa Long Sơn, Long Hải ở phường Đức Long; chùa Bửu Sơn, phường Phú Hài… Bên cạnh đó, còn có một ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và khác hẳn so với các ngôi chùa ở Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung; kiến trúc ở đây mang phong cách của hệ phái Khất Sĩ của Phật giáo.

    Chùa Long Ngự (hay còn được gọi là chùa Bảy Đầu Rồng) tọa lạc tại phường Đức Long, thành phố Phan Thiết. Theo các nguồn tư liệu thì chùa Long Ngự khởi nguyên xây là tịnh xá Ngọc Kim do các nhà sư của Đoàn du Tăng Khất Sĩ, trong đó có Đại Đức Thích Giác Thạnh đến Phan Thiết và sáng lập vào năm 1964. Đến năm 1971, Đại Đức Thích Giác Thạnh chuyển từ hệ phái Khất Sĩ sang theo hệ phái Bắc Tông và từ đó Đại Đức Thích Giác Thạnh lấy tên hiệu là Thiện Thái trụ trì chùa Long Ngự.

    Kiến trúc độc đáo của chùa Long Ngự ban đầu khởi dựng với Chính điện là một Phật đài được kiến tạo thành 3 tầng xếp chồng so le nhau cao khoảng 8m; bên dưới cùng kiến tạo hình bát giác cao khoảng 3m; bên trên kiến tạo thêm 2 tầng dạng hình tháp với kiểu dáng kiến trúc khối hình vuông, mỗi tầng cao khoảng 2,5m. Trên đỉnh Phật đài Chính điện đặt một pho tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao khoảng 3m, ngồi trên đài sen cao 3m được đắp nổi con rồng quấn quanh và đầu rồng vươn lên cao chia thành 7 đầu rồng che pho tượng Phật; 7 đầu rồng kiến tạo theo thế cân bằng, ở giữa bố trí 1 đầu rồng trên đỉnh đầu Phật Thích Ca và 2 bên mỗi bên bố trí 3 đầu rồng tạo nên quần thể kiến trúc uy nghi và tuyệt đẹp. Do đặc điểm kiến trúc của tượng Phật Thích Ca được che bởi 7 đầu rồng nên người dân và phật tử địa phương còn gọi chùa Long Ngự là chùa “Bảy đầu rồng”.

    Đến năm 1985, Đại Đức Thích Thiện Thái vận động nguồn lực và triển khai tu bổ ngôi Chính điện; trong lòng nội thất của Phật đài đặt tượng Phật Thích Ca ngồi thiền bối trí gian thờ Bổn Sư Thích Ca ở trung tâm, hai bên Tả - Hữu thờ Bồ Tát Quan Thế Âm và Địa Tạng; ngoài ra, còn bố trí thờ Quan Thánh và Hộ Pháp. Gian phía sau nội thất đặt bàn thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Hữu Đức, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, di ảnh Đại Đức Thích Thiện Thái, hai bên thờ chư tiên linh, bên hông chánh điện là một dãy nhà dài dùng để làm nhà Tăng và nhà Bếp. Năm 1994, Đại Đức Thích Thiện Thái tiếp tục triển khai tu bổ, sửa chữa lại nhà Tăng thêm khang trang hơn. Đến năm 1997, Đại Đức Thích Thiện Thái viên tịch và được an táng mộ tháp tại chủa Thiền Lâm ở phường Đức Long.

    Hiện nay, chùa Long Ngự do Đại Đức Thích Quảng Huệ làm trụ trì, trong thời gian qua đang từng bước tu sửa lại chùa Long Ngự; năm 2001 Đại Đức Thích Quảng Huệ tu sửa và nâng cấp ngôi nhà Tăng, nâng cấp nền sân nhà xây toàn bộ vòng thành tạo cho cảnh quan thoáng mát sạch đẹp.

anh tin bai

Chùa Long Ngự theo lối kiến trúc xây dựng ban đầu vào năm 1964. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

    Đến năm 2012, ngôi Phật đài Chính điện dần bị xuống cấp hư hỏng, tường vách mục nát; tượng Phật Thích Ca bay màu, hư hỏng tay; các đầu rồng bị gãy râu và thân rồng cũng bị hư nhiều chỗ… Đại Đức Thích Quảng Huệ đã vận động Phật tử và Nhân dân địa phương nguồn lực để tu bổ lại Phật đài. Điều đáng tiếc quá trình tu bổ, sửa chữa đã dỡ bỏ toàn bộ Phật đài và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền và con rồng 7 đầu được xây dựng khởi đầu năm 1964. Tượng đài Phật Thích Ca ngồi thiền và 7 đầu rồng hiện nay được xây dựng mới nằm phía trước Phật đài cũ khoảng 10m về phía Tây (phía trước gần Cổng). Hiện trạng kiến trúc xây dựng lại không còn khối hình bác giát bên dưới cùng, mà chỉ có 2 khối hình vuông bên trên, phần đế và đài sen. Tổng thể chiều cao của cả phần hình khối vuông lên đến đỉnh tượng Phật Thích Ca ngồi thiền khoảng 10m (thấp hơn Phật đài nguyên gốc khoảng 6m). Thân rồng quấn quanh đế của đài sen được đắp nổi cao hơn so với nguyên gốc. Quá trình xây dựng lại mới Phật đài, Sư trụ trì chùa Long Ngự cũng đã cố giữ lại phần hồn kiến trúc xây dựng ban đầu khởi dựng đó là tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên tòa sen và thân rồng quán quanh phần đế tòa sen vươn lên trên chia thành 7 đầu rồng che cho tượng Phật.

anh tin bai

Kiến trúc Phật đài hiện nay chùa Long Ngự được xây dựng lại. Ảnh: Nguyễn Chí Phú

    Nằm về phía sau Phật đài là Chính điện được che chắn bằng khung sắt và tôn để bố trí thờ Phật như nội thất Phật đài thuở mới xây dựng; Ngoài ra, còn có nhà Tăng, nhà Khách được xây dựng kiên cố dạng nhà cấp 4 và sạch đẹp.

    Đến với chùa Long Ngự ngoài viếng cảnh, bái Phật chúng ta sẽ tận mắt thưởng thức, chiêm ngưỡng giá trị công trình kiến trúc tượng Phật Thích Ca độc đáo có một không hai ở Bình Thuận và hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo ở Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Nguyễn Chí Phú


 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang