Đôi nét về nghề Bánh tráng truyền thống ở Chợ Lầu, huyện Bắc Bình
Lượt xem: 338
       Nghề làm bánh tráng truyền thống đã có từ lâu đời tại một số địa bàn thuộc huyện Bắc Bình như: Chợ lầu, Hồng Thái, Phan Rí Thành, Phan Thanh… Bánh tráng Chợ Lầu đã có mặt trên thị trường từ trước năm 1945, ban đầu chỉ là 2 - 3 lò nhỏ và sau đó phát triển theo thời gian đã có lúc có trên 100 hộ gia đình tham gia nghề sản xuất bánh tráng thủ công, tập trung nhiều nhất ở khu phố Xuân An, thị trấn Chợ Lầu thành làng nghề hiện nay.

    Với quy mô các gia đình tham gia làng nghề tương đối đông và duy trì thường xuyên, nghề bánh tráng thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề thủ công tại Quyết định số 09/2003/QĐ-CTUBBT, ngày 28/02/2003. Theo thống kế hiện nay, làng nghề còn  khoảng 43 hộ/86 lao động sản xuất bánh tráng đang hoạt động thường xuyên.

    Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình đề xuất ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng làng nghề bánh tráng truyền thống tập trung. Tuy nhiên, hầu hết người dân làm nghề bánh tráng không thống nhất theo phương án đề xuất của huyện Bắc Bình; vì lý do các hộ gia đình làm bánh tráng bằng thủ công, với vi mô nhỏ, tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình và nếu sản xuất tập trung sẽ gây khó khăn trong bố trí công việc và sinh hoạt hàng ngày của họ. Xét thấy dự án tập trung không khả thi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương xây dựng làng nghề ngay trong khu dân cư và phần lớn được các hộ gia đình làng nghề đồng tình hưởng ứng.

    Nghề bánh tráng truyền thống ở Chợ Lầu phát triển nhất vào dịp trước Tết Nguyên Đán, vì theo phong tục truyền thống nên nhu cầu sử dụng bánh tráng trong dịp này là phổ biến trong các gia đình Việt. Ngoài việc sử dụng trấu để làm nhiên liệu đốt lò, một số hộ gia đình chuyển sang dùng lò điện (do Nhà nước hỗ trợ) để tiết kiệm được thời gian, nhân công đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ cháy kho do vỏ trấu, đảm bảo sức khỏe người lao động. Phát triển làng nghề bánnh tráng ở Chợ Lầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, góp phần tạo việc làm cho lao động, cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, nghề sản xuất bánh tráng ở Chợ Lầu còn phân tán, quy mô nhỏ và chủ yếu là hộ gia đình, công nghệ thiết bị đơn giản, hình thức sản xuất mang tính tự sản xuất tự tiêu thụ là chính, không có thương hiệu riêng, chưa được quảng bá, xúc tiến thương mại nhiều.

anh tin bai

 

anh tin bai

Làm bánh tráng thủ công bằng tay

    Bánh tráng Chợ Lầu sở dĩ ngon có tiếng là nhờ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu sản xuất ra thành phẩm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn của quy trình sản xuất và có bí quyết riêng ở kỹ thuật pha chế bột để đảm bảo cho chất lượng của từng loại bánh. Bánh dùng để cuốn thì khi pha bột sẽ cho vào một lượng muối thích hợp để khi tráng bánh được mỏng nhưng rất dẻo dai để khi cuốn không bị rách; bột tráng bánh nướng thì phải pha thêm cơm nguội hoặc bánh tráng nướng xay nhuyễn để khi nướng được phồng nhưng để lâu vẫn không bị mềm. Phải nói rằng các công đoạn làm bánh Tết rất công phu, từ chuyện phải rang mè (vừng) sao cho thơm mà không cháy, đến khâu pha chế bột, thậm chí việc gỡ bánh phơi khô cũng rất kỳ công. Làm nhanh thì sẽ không đúng kỹ thuật, bánh không ngon, mất uy tín. Nếu không biết pha chế thì bánh mỏng sẽ không dẻo, còn bánh dày thì nướng không phồng và không thơm. Ngoài công thức pha chế bột, muối, mè và cơm nguội thì công thức tráng bánh, phơi bánh cũng rất tỉ mỉ và cần có kinh nghiệm nghề.

    Bánh tráng Chợ Lầu đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực của người dân huyện Bắc Bình nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh Bình Thuận nói chung trong ăn uống hàng ngày và dịp lễ Tết. Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt, từ người dân địa phương, những thương nhân đều đặt làm bánh tráng trước nhiều tháng để làm quà Tết hoặc buôn bán lấy lời và các hộ gia đình trong làng nghề phải sản xuất hết công suất, có hộ đôi khi mở thêm lò để làm bánh mới đủ cung cấp cho khách hàng.

anh tin bai

 

anh tin bai

Lò tráng bánh thủ công dùng nguyên liệu trấu để đốt lò

    Làm nghề bánh tráng không vất vả, không giàu; nhưng có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình vững vàng vì tiêu thụ được quanh năm. Để người dân hiểu rõ thêm về lợi ích của việc sản xuất bằng máy móc, huyện đã tổ chức bà con tham quan một số mô hình tại Tây Ninh, Thủ Đức  ở Thành phố Hồ Chí Minh, thị trấn Phú Long huyện Hàm Thuận Bắc để học tập kinh nghiệm. Đồng thời vận động các gia đình đổi mới công nghệ sản xuất, từ thủ công sang sử dụng bằng máy. Qua đó, sẽ giảm được công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con là mức đầu tư cho máy tráng bánh rất lớn, bình quân khoảng từ 300 - 400 triệu đồng/máy (đạt công suất 200kg sản phẩm/giờ). Trong khi đó, đa phần các hộ gia đình sản xuất bánh tráng ở đây ít có khả năng để đầu tư máy móc với số tiền lớn như vậy. 

    Trong xu hướng phát triển du lịch văn hóa của tỉnh ta hiện nay, nhu cầu của du khách tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm đối với các làng nghề thủ công truyền thống của các cộng đồng dân tộc là rất lớn. Do đó, cần có sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện Bắc Bình gắn kết làng nghề bánh tráng thủ công ở thị trấn Chợ Lầu với phát triển các tour, tuyến du lịch để quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống đến du khách tham quan, trải nghiệm; giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập, bảo tồn nghề bánh tráng thủ công và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Phú

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang