Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh
Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, công tác
giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ trở thành nhiệm vụ quan
trọng hơn bao giờ hết. Và không có phương pháp nào ý nghĩa và chân thực hơn việc
đưa các em học sinh đến tận nơi, tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử, những
kỷ vật còn lưu giữ lại phủ màu thời gian, được nghe những câu chuyện lịch sử
hào hùng của cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận là vùng
căn cứ trọng điểm, là trung tâm cách mạng đầu não của tỉnh Bình Thuận trong thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây chính là một trong những địa chỉ đỏ thu hút đông đảo
khách đến tham quan, đặc biệt các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ
chức nhiều chương trình ngoại khóa, hành trình về nguồn và phối hợp cùng Ban Quản
lý Khu di tích nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, hoạt động trải
nghiệm mang nhiều ý nghĩa đến với các em học sinh.
Chụp ảnh lưu niệm
tại Khu di tích
Ngay từ khi đặt chân đến Khu di tích, các em
học sinh đã cảm nhận được không khí trang nghiêm, lịch sử hào hùng, núi rừng
hùng vĩ, các em dâng hương, dâng hoa viếng Bác và các Anh hùng liệt sĩ, được
nghe giới thiệu thuyết minh về những sự kiện lịch sử quan trọng của Khu di
tích, những hiện vật trưng bày, mỗi hiện vật là một câu chuyện kể về sự hy
sinh, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của cha ông ta.
Tiếp tục hành trình hướng đến Khu di tích gốc,
là Căn cứ cánh mạng Saloun của Tỉnh ủy Bình Thuận trong thời kỳ kháng chiến chống
Mỹ. Những dấu tích năm xưa đã được phục dựng lại như: hầm trú ẩn lán trại của đồng
chí Bí thư, đồng chí Phó Bí thư, bộ phận Cảnh vệ, bộ phân cấp dưỡng, khu vực Hội
trường, bếp Hoàng Cầm… vẫn còn nguyên giá trị, như đưa các em trở về với thời kỳ
gian khó, khổ cực “hạt muối chia đôi, củ khoai bẻ nữa” nhưng đầy kiên trung bất
khuất trong kháng chiến chống Mỹ. Các em không giấu nổi sự tò mò khi lắng nghe
câu chuyện về cách nấu ăn không để lộ khói tránh bị địch phát hiện của bếp
Hoàng Cầm hay những cuộc họp bí mật của cán bộ, chiến sĩ cách mạng giữa núi rừng.
Học sinh dâng hoa, dâng hương tại Nhà Tưởng
niệm - Trưng bày
Không chỉ dừng lại ở việc tham quan, các em
còn được tham gia các hoạt động giáo dục lịch sử địa phương tìm hiểu lịch sử
cách mạng qua việc xem phim tư liệu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến
chống Mỹ và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm về các sự kiện, hiện vật gắn liền với
Khu di tích, giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với
quê hương, đất nước.
Điều ấn tượng của chuyến về nguồn chính là
chuỗi hoạt động trải nghiệm đầy hấp dẫn mà Ban Quản lý Khu di tích phối hợp
cùng nhà trường tổ chức. Đây không chỉ là những trò chơi thông thường mà còn là
những thử thách giúp các em rèn luyện thể chất, ý chí kiên cường và tinh thần đồng
đội với hoạt động trải nghiệm như: “Chinh phục Saloun”, một hành trình vượt thử
thách trong khu rừng nguyên sinh Saloun, nơi các em học sinh phải cùng nhau vượt
qua địa hình rừng núi, học cách xác định phương hướng, sinh tồn trong thiên
nhiên và cảm nhận vẻ đẹp riêng của núi rừng đầy sức sống của vùng đất lịch sử
này; “Theo dấu oai hùng”, một trò chơi mang tính giáo dục cao, trong đó các em
sẽ hóa thân thành những cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cùng nhau thực hiện các nhiệm
vụ như mật mã giao liên, tìm dấu vết, vượt chướng ngại vật… để hiểu hơn về sự
gian khổ nhưng đầy tự hào của thế hệ đi trước.
Đặc biệt, các trò chơi vận động tập thể như: Giải
mã thông điệp, tái hiện chiến khu, kéo có, chuyền bóng… không chỉ mang lại niềm
vui mà còn giúp các em hình dung rõ nét hơn về cuộc sống của các chiến sĩ cách
mạng thời chiến. Những trải nghiệm này giúp các em rèn luyện tinh thần đoàn kết,
ý thức kỷ luật và tình yêu quê hương, đất nước.
Thuyết minh viên giới thiệu về Khu di tích và
tài liệu, hiện vật trưng bày
Điều làm nên sức hút của Khu di tích Căn cứ Tỉnh
ủy Bình Thuận không chỉ là giá trị lịch sử mà còn là cảnh quan thiên nhiên hùng
vĩ. Rừng Saloun với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, khí hậu trong lành,
không gian yên bình tạo nên một môi trường hoàn hảo cho việc học tập và trải
nghiệm. Các em học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện tinh
thần trách nhiệm, lòng biết ơn đối với những thế hệ đi trước.
Chương trình tìm hiểu về Khu di tích thông
qua những câu hỏi trắc nghiệm của
Trường THCS Thuận Minh (Hàm Thuận Bắc)
Ông Võ Cáp Trưởng ban Quản lý Khu di tích trao
tặng nón tai bèo cho học sinh Trường Tiểu học Xuân An (Phan Thiết) đạt
giải trong hoạt động trải nghiệm
Sau mỗi chuyến đi, điều đọng lại không chỉ là
những bức ảnh kỷ niệm mà còn là sự thay đổi trong suy nghĩ của các em học sinh.
Từ những cô cậu học trò hồn nhiên, các em dần nhận ra giá trị của hòa bình, tự
do, và quan trọng hơn là trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.
Đây chính là mục tiêu cao cả nhất của công tác giáo dục truyền thống lịch sử
cách mạng tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận hướng đến, không chỉ là những
bài học trong sách vở, mà là những trải nghiệm thực tế, chạm đến trái tim và
khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi học sinh.
Với những ý nghĩa và giá trị to lớn mà Khu di
tích mang lại, trong tương lai ngày càng có nhiều trường học tổ chức các chương
trình tham quan, học tập thực tế tại đây, để thế hệ trẻ có thêm nhiều cơ hội được
sống lại những trang sử hào hùng, hun đúc tinh thần yêu nước và ý chí vươn lên,
góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguyễn Thị Phương, Ban Quản lý Khu di tích
Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận