Nghị
định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu
NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đây là căn cứ pháp lý
quan trọng để xét, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ với các cá nhân đang nắm
giữ kỹ năng, bí quyết thực hành, có đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.
Nhiều ý kiến phát biểu đóng góp cho Hội nghị
Báo
cáo việc thực hiện Nghị định 62, Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết,
triển khai thực hiện Nghị định số 62, từ năm 2016 đến năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ
chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT; kết quả có 1.881 nghệ
nhân đã được phong tặng danh hiệu, bao gồm 131 NNƯT được phong tặng danh hiệu
NNND và 1.750 nghệ nhân được phong tặng NNƯT (trong đó năm 2022 có 65 NNND và
563 NNƯT).
Việc
tôn vinh danh hiệu đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu
tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản
văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn
giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng
thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa
phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.
Theo
Vụ Thi đua khen thưởng, ngày 15/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua,
Khen thưởng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Để xây dựng các văn bản quy
định chi tiết thi hành Luật, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định số 917/QĐ-TTg, trong đó phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Nghị định
quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với 7 loại hình văn hóa phi vật thể
(thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP). Để có cơ sở xây dựng nghị định, ngày
10/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương đề nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 62. Tính đến ngày 22/11, Bộ đã nhận
được báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại
diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tham dự Hội nghị
Kết
luận hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, rất trân trọng và sẽ tiếp
thu tất cả ý kiến của đại biểu, đặc biệt là những trăn trở, khó khăn, vướng mắc
và đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. “Ý kiến
nhiều nhất của các đại biểu mà chúng tôi cho rằng đó cũng là trăn trở của lãnh
đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là chế độ chính sách, đãi ngộ dành cho các nghệ nhân. Đây là
điều mà trước đây chúng tôi cũng đã nhận rất nhiều ý kiến đề xuất thẳng thắn và
trao đổi, đề nghị, thậm chí của lãnh đạo cấp cao, làm sao chế độ đãi ngộ cho
nghệ nhân được thỏa đáng hơn. Bởi vì khi nghệ nhân được tôn vinh, bên cạnh niềm
tự hào, thì trách nhiệm cộng đồng của các nghệ nhân sẽ nâng cao hơn. Nếu có chế
độ phù hợp thì việc tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ được thuận lợi
hơn; có chế độ động viên nghệ nhân tham gia các hoạt động phát huy di sản văn
hóa tại cộng đồng… Cho nên về nội dung này chúng tôi xin tiếp thu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ
phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng xây dựng, đề xuất với
Chính phủ sửa đổi Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có
thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Bình Phạm