Lượt xem: 156
Hội thảo Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch
23/02/2023 08:17:00
Sáng 23/2, tại The Cliff Resort & Residences (Phú
Hài, Phan Thiết), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Tổng cục Du lịch và Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức Hội thảo Quản trị điểm đến bền vững
thông qua du lịch. Đến dự có Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Minh, Phó
giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc; đại diện Văn phòng hỗ
trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc UNWTO, đại diện Tổng cục Du lịch.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động do Tổng cục
Du lịch phối hợp tổ chức hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội
tụ xanh”, với sự tham gia của gần 50 đại biểu là lãnh đạo các đại phương, Ban
quản lý các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lưu trú, lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chào mừng trực tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu,
khẳng định: “Với chủ đề Hội tụ xanh, Năm Du lịch quốc 2023 tại Bình Thuận hướng
đến tăng trưởng xanh, sản phẩm du lịch thân thiện, Hội thảo Quản trị điểm đến
bền vững sẽ chia sẻ ý kiến cũng như đưa ra những khuyến nghị bổ ích hỗ trợ du
lịch Bình Thuận tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Với mục đích vừa gắn với đề án nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực du lịch, vừa trang bị kiến thức quan trọng về quản lý điểm đến,
chia sẻ các kinh nghiệm phát triển du lịch Việt Nam và Nhật Bản, Hội thảo đã
nghe đại diện Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNWTO giới
thiệu sổ tay “Hướng dẫn quản lý điểm đến bền vững thông qua phát triển du
lịch”. Cùng với đó, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu phát triển du
lịch - Tổng cục Du lịch, đã chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch, quản trị bền
vững thành công tại một số điểm đến nổi tiếng ở Nhật Bàn và Việt Nam, trong đó
tại Việt Nam là các điểm như: du lịch
cộng đồng tại Sin Suối Hồ (Lai Châu); du lịch di sản bền vững tại Quần thể danh
thắng Tràng An (Ninh Bình); du lịch sinh thái bền vững tại Phong Nha - Kẻ Bàng
(Quảng Bình)…

Hội thảo cũng đã dành thời gian để các đại biểu thảo
luận nhóm theo các chủ đề như những vấn đề thách thức của địa phương khi hiện
thực hóa định hướng phát triển du lịch; những đề xuất, khuyến nghị để quản lý
điểm đến bền vững thông qua phát triển du lịch. Cùng với đó, nhiều đại biểu nêu
ý kiến về các thách thức hiện nay như: Nguồn nhân lực quản lý du lịch tại các
địa phương trong tỉnh quá ít; thiếu kinh phí quảng bá; cần có sự chung tay bảo
vệ môi trường tại điểm đến; sản phẩm du lịch của tỉnh còn khá đơn điệu, chưa
đáp ứng nhu cầu phát triển; công tác quảng bá lễ hội của tỉnh hiện nay chưa
được chú trọng đúng mức…

Tiếp thu những đề xuất của các nhóm thảo luận, Trưởng
Phòng Quốc tế UNWTO Joyce Marian Magsino, đã tổng kết và khuyến nghị phát triển
du lịch bền vững tại Bình Thuận, Đồng thời, gợi ý những phương án về quản lý điểm
đến bền vững gắn với định hướng quy hoạch phát triển du lịch, bảo vệ môi
trường, cảnh quan, an ninh tại các điểm đến, phát triển du lịch gắn với lợi ích
cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị điểm đến trong phát triển du lịch.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, việc khai thác điểm du lịch
hoang sơ là cách làm hay để tạo sản phẩm du lịch mới, tăng sức cạnh tranh nhằm
thu hút du khách. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi có sự chung tay từ nhiều phía
chính quyền, nhà quản lý, người làm du lịch, người dân để tạo ra sản phẩm điểm
đến du lịch mới lạ, có chất lượng, đảm bảo du lịch xanh và bảo vệ môi trường.


Dịp này, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Minh
cũng đã trao tặng những món quà lưu niệm đặc trưng điểm đến Mũi Né - Bình Thuận
cho các chuyên gia và Ban tổ chức. Trước đó, vào chiều 22/2, các chuyên gia của
Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc UNWTO cũng được nhân
viên Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh hướng dẫn tham quan, khảo sát và
tìm hiểu các điểm đến du lịch độc đáo tại Bình Thuận như Tháp Pô Sah Inư, Làng
chài Mũi Né, Đồi cát Bay, Điểm Du lịch sinh thái Bàu Trắng.
Nguyên Vũ