Thực hiện
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV)
về việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội
dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, ngành Du lịch đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
trong phát triển du lịch Bình Thuận.
Cùng với website du lịch Anh - Việt đang làm
tốt chức năng thông tin, quảng bá điểm đến, thời gian qua ngành Du lịch đã và
đang ứng dụng công nghệ số trong việc xây dựng, thiết kế đưa vào hoạt động Cổng
Thông tin Du lịch thông minh tỉnh và Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận tích hợp
thêm nhiều tính năng, tiện ích đa dạng như: bản đồ du lịch điện tử, tìm đường, booking
online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, hướng dẫn tham quan trực tuyến,
chăm sóc khách hàng trực tuyến, tổ chức sự kiện du lịch trực tuyến... phục vụ
nhu cầu tìm kiếm, tương tác và truyền tải thông tin, hình ảnh du lịch của người
dân, khách du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Ngành du lịch cũng đã sử dụng các phần mềm tiện
ích thông minh hỗ trợ du khách như trải nghiệm du lịch thực tế ảo 3D, tiện ích quét
mã QR (mã phản hồi thông tin nhanh) các địa điểm tham quan, hệ thống thuyết
minh tự động tại một số di tích lịch sử - văn hóa, số hóa thông tin du lịch. Bên
cạnh đó, việc quảng bá, truyền thông du lịch thời gian qua luôn được đẩy mạnh
trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram... Đồng
thời, ngành Du lịch cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông
(VNPT, Viettel, FPT...) để triển khai những dự án du lịch thông minh, chuyển đổi
số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích
thông minh cho hoạt động du lịch nói riêng và ngành Du lịch tỉnh nhà nói chung.

Du lịch Bình Thuận cũng đang phối hợp, hỗ trợ
các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thử nghiệm, tạo
ra sản phẩm và dịch vụ mới. Như có thể sử dụng các phần mềm thiết kế để biến những
sản phẩm, dịch vụ, không gian thành những
tấm hình đẹp, lung linh, thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo mà
khách du lịch không thể bỏ qua khi đến Bình Thuận. Hay có thể khai thác triệt để
công nghệ thông tin - mạng internet để giới thiệu văn hóa ẩm thực, các món ngon
vô cùng hấp dẫn, độc đáo, có hương vị đặc trưng đến khách du lịch. Ngoài ra,
ngành Du lịch cũng nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới, chủ động áp dụng
công nghệ số hóa trong hoạt động quảng bá xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, giao dịch,
quản lý du lịch, hỗ trợ khách du lịch tìm những điểm đến an toàn, thân thiện, hấp
dẫn tại Bình Thuận, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu cập nhật thông tin của khách
du lịch.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử
Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn và đặt
tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách quốc tế sử dụng 2 dịch vụ này đạt hơn
75% (năm 2018). Theo một khảo sát khác với khách quốc tế đến Việt Nam, có tới
71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch
vụ trực tuyến khi đến Việt Nam. Có thể thấy khách du lịch sử dụng internet, các
tiện ích thông minh, các thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin, tham khảo
điểm đến, so sánh và lựa chọn dịch vụ, thực hiện giao dịch mua tour, đặt phòng,
thanh toán trực tuyến ngày càng có xu hướng gia tăng, chứng tỏ tầm quan trọng của
ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Như vậy, ngành Du lịch đã và đang thực
hiện tích cực, hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững du lịch
tỉnh nhà.
Nguyên Vũ