Giải pháp phát triển du lịch Bình Thuận nhanh, bền vững
Lượt xem: 7411
        Trong những năm gần đây, khi sự phát triển với quy mô lớn, nhanh và mạnh của ngành Du lịch đã và đang xuất hiện những vấn đề bất cập, hạn chế về ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên du lịch bị xuống cấp, xung đột văn hóa, xung đột giữa các ngành kinh tế khác,…Do đó, ngày nay vấn đề phát triển du lịch bền vững ngày càng được chú trọng. 

    Luật Du lịch năm 2017 đưa ra định nghĩa: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững: Trước tiên là gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái trong hoạt động du lịch; đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Sự tham gia của cộng đồng (cư dân địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch, du khách). Phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch. Chất lượng dịch vụ (nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch,…).

anh tin bai

    Trong thời gian qua, khai thác du lịch gắn với phát triển bền vững luôn được xác định trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp.

    Sau 2 năm ngành du lịch bị gián đoạn do dịch bệnh, đến nay du lịch Bình Thuận đã từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Bình Thuận đã và đang triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông; các dự án du lịch tiếp tục được đầu tư mới; các khu du lịch nghỉ dưỡng, các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch gắn với triển khai công nghệ số, hệ thống du lịch thông minh phục vụ xúc tiến du lịch, đảm bảo tính tiện ích, hấp dẫn. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn du khách tình hình an ninh trật tự, giá cả, vệ sinh môi trường, giá cả tại các khu du lịch cơ bản được đảm bảo góp phần phục hồi thị trường khách du lịch trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và từng bước phát triển du lịch ổn định, bền vững. 

anh tin bai

    Năm 2023, tỉnh Bình Thuận vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây là sự kiện, cơ hội, có ý nghĩa rất lớn đối với ngành du lịch của tỉnh. Chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững của tỉnh. Là ngành kinh tế tổng hợp, các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững. Hơn thế nữa, du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Bình Thuận.

    Hiện tại, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghĩ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng - thác - hồ - biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay), du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE góp phần phát triển du lịch bền vững.

anh tin bai

    Việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường hiện đang được các doanh nghiệp du lịch đặc biệt quan tâm và đã có những hành động hết sức thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường du lịch, phòng chống rác thải nhựa. Vào ngày thứ 5 tuần đầu tiên của tháng, các cơ sở lưu trú ra quân dọn dẹp rác tại đơn vị và khu vực lân cận để hưởng ứng chiến dịch “Clean Up Day” được tổ chức định kỳ. Ngoài ra còn thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch theo đúng quy định. Chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, dễ phân hủy. Chủ động lắp đặt các thùng rác công cộng ngay tại vỉa hè khu du lịch và bãi biển cho du khách và người dân bỏ rác vào thùng. Để giảm thiểu rác nhựa, một số resort đã đặt sẵn những bình nước lớn miễn phí để khách lưu trú có thể dùng bình nước riêng của mình để lấy nước thay vì phải mua nước uống đóng chai. Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng ống hút, ly … bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ; hạn chế dùng ống hút nhựa hoặc có thể dùng nhiều lần. Bên cạnh đó còn tuyên truyền tới toàn thể nhân viên về công tác và ý thức bảo vệ môi trường. Đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, tiết kiệm điện, nước, nơi đón tiếp của cơ sở lưu trú, phòng ngủ các khách sạn nhằm kêu gọi, hướng dẫn khách du lịch cùng tham gia bảo vệ môi trường…Các đoàn thể, ban, ngành, người dân cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động về môi trường như dọn rác đường phố, kết hợp các hoạt động phát tờ rơi vận động người dân khu vực triển khai làm đem rác thải sinh hoạt ra bỏ đúng giờ, ra quân dọn dẹp rác tại bãi biển dọc tuyến đường… Tổ chức tọa đàm phát triển du lịch Bình Thuận gắn với bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa và phát động các doanh nghiệp du lịch huởng ứng chương trình "Vì môi trường du lịch Bình Thuận bền vững, nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần”. Đặc biệt, kể từ năm 2023 với chủ đề  “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” định kỳ vào tuần đầu tiên của tháng, toàn hệ thống chính trị từ Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, đoàn thể, nhân dân, doanh nghiệp…ra quân đồng loạt làm vệ sinh môi trường để góp phần dần chuyển đổi nhận thức toàn dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng điểm đến xanh, sạch, đẹp. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch cũng đã có những ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường.

    Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với mô hình “Du lịch nhà vườn”, “Du lịch cộng đồng”. Tạo ra sản phẩm du lịch mới gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương và tăng cường thu hút khách du lịch đến tỉnh, kéo dài thời gian khách lưu trú tại tỉnh; cung cấp sản phẩm du lịch này đến du khách, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để khai thác, chào bán đến du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang triển khai kế hoạch xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với các mô hình thí điểm sau: Điểm tham quan vườn thanh long thuộc Thôn Phú Mỹ - Xã Hàm Mỹ - huyện Hàm Thuận Nam. Hộ dân Nguyễn Thanh Trúc thuộc Thôn Minh Tiến - Xã Hàm Minh - huyện Hàm Thuận Nam. Khu du lịch Sinh thái Thác 3 tầng - Xã Đa Kai - huyện Đức Linh.

    Với những tiềm năng và sức hấp dẫn đã được khẳng định, những năm qua, tốc độ tăng trưởng du lịch của Bình Thuận không ngừng tăng lên qua các năm. Từ năm 1995, khi tổng lượng khách đến tỉnh chỉ có 53.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 5.300 lượt, doanh thu là 30,66 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng lượng khách đến tỉnh đạt 6,4 triệu lượt (tăng 121 lần so với 1995), trong đó khách quốc tế đạt 774.042 lượt (tăng 146 lần so với 1995). Doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng (tăng 496 lần so với 1995).

    Theo số liệu Cục thống kê, 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước đón 7.303.300 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 211.500 lươt, khách nội địa là 7.091.800 lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 18.823,7 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 16,56%/năm.

anh tin bai

    Tuy nhiên, chặng đường trước mắt của Bình Thuận nhiều cơ hội nhưng du lịch Bình Thuận vẫn đang gặp một số không ít khó khăn, hạn chế nhất định như: Sản phẩm du lịch chưa đa dạng; Lượng khách du lịch tăng trưởng chủ yếu là khách trong nước, đối với khách quốc tế tăng trưởng chậm do tình hình bất ổn giữa các nước trên thế giới (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh,..); Việc giải quyết vướng mắc về đất đai, chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác khoáng sản titan chậm được tháo gỡ; Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư hoàn thiện; Tình hình xâm thực bờ biển tại một số khu vực trọng điểm về du lịch ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch cũng như đời sống của nhân dân địa phương; Nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững còn hạn chế,…

    Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận       

    Trong thời gian tới ngành du lịch Bình Thuận sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch bền vững như xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Thuận, trục đường ven biển; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; Tiếp tục triển khai các gói kích cầu để thúc đẩy thị trường khách du lịch; Nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; Phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch; Tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử, các danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch; Hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các làng nghề phục vụ du lịch; Khuyến kích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của Bình Thuận; Phát triển thị trường, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng đối với phát triển du lịch bền vững nhất là về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Bài, ảnh: Hàng My - Phòng QLDL

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang