Bế mạc Lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm xã Phong Phú, huyện Tuy Phong
Lượt xem: 107
          Ngày 27/6/2024, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; Bảo tàng tỉnh tổ chức bế mạc Lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm.

    Lớp truyền dạy do Bảo tàng tỉnh phối hợp cùng UBND xã Phong Phú tổ chức từ ngày 11/6 đến ngày 26/6/2024 với số lượng 22 học viên là người dân tộc Chăm đang sinh sống tại địa phương; cùng với sự hướng dẫn, truyền dạy trực tiếp của 1 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực trình trình diễn nghệ thuật dân gian và 1 nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy nhạc cụ trong cộng đồng.

anh tin bai

Tiết mục trình diễn báo cáo trong buổi bế mạc của học viên

    Nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm là thành tố quan trọng để tạo nên phần hồn của các lễ hội dân gian Chăm. Nhạc cụ Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện trình diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh. Hầu hết các loại nhạc cụ Chăm đều nhằm mục đích phục vụ lễ hội, lễ nghi và sinh hoạt truyền thống của cộng đồng. Nhạc cụ truyền thống của người Chăm đã thực sự trở thành phương tiện nghệ thuật lôi cuốn người xem về với lễ hội và ngược lại lễ hội Chăm chính là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn nhạc cụ dân gian Chăm. Nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm rất phong phú, đa dạng và có nhiều bản hoà âm khác nhau trong từng tiểu lễ của các lễ hội truyền thống.

anh tin bai

Học viên trình diễn nhạc cụ

    Tại buổi bế mạc, tập thể học viên đã có tiết mục hòa tấu trình diễn để báo cáo kết quả học tập. Các học viên cơ bản đã nắm bắt được cách vỗ thanh âm trống Ghi năng và cách lấy hơi tạo nốt từ chiếc kèn Saranai…

anh tin bai

Học viên Mai Xuân Tính phát biểu

    Ông Mai Xuân Tính, đại diện cho 22 học viên tham gia lớp học phát biểu: Mặc dù thời gian chỉ có 16 ngày học, nhưng toàn thể học viên đã được các nghệ nhân truyền dạy rất nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến cách chơi nhạc cụ truyền thống của chính dân tộc mình, được Ban Tổ chức lớp chăm lo tốt các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc học hỏi, mang lại hiệu quả tốt nhất. Qua thời gian được học, đã giúp chúng tôi phân biệt được vài âm điệu của trống Ghi năng, kèn Saranai trong các nghi thức lễ theo từng vùng miền của Bình Thuận và hiểu biết thêm về sự phong phú trong âm điệu của nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi tin xin hứa sẽ vận dụng những kiến thức đã học được để tiếp tục luyện tập và lan tỏa niềm đam mê, sự yêu thích loại hình nhạc cụ này cho các đối tượng trẻ như chúng tôi thông qua những kiến thức, kỹ năng biểu diễn nhạc cụ mà những nghệ nhân đã trao truyền trong thời gian được học. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như trong các lễ nghi, lễ hội truyền thống có sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm tại địa phương.

anh tin bai

Ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu bế mạc lớp truyền dạy

    Ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh - Trưởng Ban tổ chức lớp học đánh giá cao tinh thần học tập của các học viên và mong muốn sau khóa học này, các học viên sẽ tiếp tục thường xuyên cùng nhau trao đổi, ôn luyện các kỹ năng, kiến thức đã học được và cố gắng tham gia trình diễn tại các chương trình văn hoá, văn nghệ tại địa phương, nhất là vào các dịp lễ hội truyền thống, có như vậy thì chúng ta mới phát huy tốt kết quả truyền dạy trong thời gian qua. Làm tốt việc này là chúng đã đóng góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tránh nguy cơ mai một.

anh tin bai

Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận cho học viên

    Kết thúc buổi bế mạc, Bảo tàng tỉnh đã trao Thư cảm ơn đến người truyền dạy và Giấy chứng nhận cho 22 học viên đã hoàn thành chương trình Lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm xã Phong Phú, huyện Tuy Phong.

Bài và ảnh: Ức Viết Vòng

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang