KẾT QUẢ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Lượt xem: 4030

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội, trong đó họp phiên trù bị ngày 25/01/2021, khai mạc chính thức ngày 26/01/2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -  2025; xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Dưới đây là thông báo nhanh kết quả Đại hội.

Phần thứ nhất

QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI XIII

    I- VỀ CHUẨN BỊ CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI

    Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu và có kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội XIII từ rất sớm.

1. Hội nghị Trung ương 8 khoá XII (họp tháng 10/2018) đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm:

- Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.

- Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Đại hội XIII của Đảng.

- Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có).

- Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII trình Bộ Chính trị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII xem xét, thông qua; xây dựng Kế hoạch và triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII trình Bộ Chính trị; xây dựng Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII xem xét để trình Đại hội XIII của Đảng.

- Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức và phục vụ Đại hội XIII của Đảng.

Để giúp việc cho các Tiểu ban, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các Tổ Biên tập và Bộ phận giúp việc. Sau khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban đã tích cực, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc; tiến hành tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, khảo sát thực tế; xây dựng đề cương các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

2. Hội nghị Trung ương 10 (họp tháng 5/2019) đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản tán thành đề cương các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Báo cáo chính trị; Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Chính trị, chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng nghiên cứu, tiếp thu, xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng để trình Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

3. Hội nghị Trung ương 11 (họp tháng 10/2019) đã thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trên để triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời gửi các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng (bản toàn văn và bản tóm tắt) xin ý kiến đại hội đảng bộ các cấp.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung, sửa đổi); giao Bộ Chính trị khoá XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Trung ương và góp ý của các cấp uỷ, tổ chức đảng để điều chỉnh bằng các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.

4. Hội nghị Trung ương 13 (họp tháng 10/2020) đã thảo luận, cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị, chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện trên để lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện, trình Hội nghị Trung ương 14 khoá XII thông qua.

Bộ Chính trị đã gửi các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đến đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, góp ý kiến và ngày 20/10/2020 đã công bố công khai toàn văn các dự thảo báo cáo để lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đến đầu tháng 11/2020, tất cả 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ (và của đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện) góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII.

Từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý; đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình góp ý kiến và gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII.

Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương. Tổng hợp góp ý của đại hội đảng các cấp từ cơ sở đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả trong và ngoài nước được tổng hợp lại thành 1.410 trang; báo cáo chung gần 200 trang.

Các ý kiến đều thể hiện tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần xây dựng và có trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân tộc, mong muốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển nhanh và bền vững, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, dân tộc trường tồn, cường thịnh; cho rằng đây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội; phát huy trí tuệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Hầu hết các ý kiến đánh giá: Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học, có nhiều đổi mới về tư duy, có chất lượng cao, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; phản ánh khách quan, toàn diện những thành tựu đạt được, những hạn chế, khuyết điểm; chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, dự báo được tình hình, đề ra mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, xác định các đột phá chiến lược cho 5 năm tới. Các ý kiến về cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Báo cáo, không có ý kiến nào đề nghị chỉnh sửa, bổ sung lớn.

Trong quá trình soạn thảo các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19; vừa phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm tính khoa học, kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

5. Hội nghị Trung ương 14 (họp tháng 12/2020) đã thảo luận và tán thành nội dung Báo cáo của Bộ Chính trị về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện lần cuối các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, gồm:

+ Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

+ Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

+ Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

+ Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

+ Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội, trong đó, phiên trù bị tổ chức vào ngày 25/01/2021, khai mạc chính thức vào ngày 26/01/2021.

6. Tại Hội nghị Trung ương 15 (ngày 16 - 17/01/2021), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luậnthực tiễn, giữa kiên địnhđổi mới, giữa kế thừaphát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng Dân", hoà quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã được nghiêm túc nghiên cứu, chắt lọc, lựa chọn tiếp thu.

II- VỀ CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII

- Cùng với việc chuẩn bị văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự đã dành nhiều công sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII theo hướng: Dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 227 đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 27 đồng chí được quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.

- Tại Hội nghị Trung ương 12 (họp tháng 5/2020), Hội nghị Trung ương 13 (họp tháng 10/2020), Hội nghị Trung ương 14 (họp tháng 12/2020), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thông qua Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.

- Tại Hội nghị Trung ương 15 (họp tháng 01/2021), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua chủ trương giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái ứng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khoá XIII để giới thiệu bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư khoá XIII.

Hội nghị đồng ý cho rút tên khỏi danh sách giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đối với 4 đồng chí; giới thiệu bổ sung nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đối với 14 đồng chí; giới thiệu bổ sung nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII đối với 4 đồng chí; giới thiệu các đồng chí: (1) Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Chủ tịch nước để bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. (2) Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, Thủ tướng Chính phủ để bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. (3) Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khoá XII để bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. (4) Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV thành phố Hà Nội để bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khoá XV.

Thông qua toàn bộ danh sách giới thiệu các đồng chí tham gia Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (204 đồng chí); các đồng chí tham gia Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (23 đồng chí); các đồng chí tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII (26 đồng chí); các đồng chí tham gia Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII (22 đồng chí).

Thông qua Danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội XIII để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định.

Kết quả giới thiệu

Trên cơ sở thực hiện quy trình giới thiệu và lựa chọn nhân sự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã đề cử 123 đồng chí tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; số mới tham gia lần đầu là 103 đồng chí; cán bộ nữ có 25 đồng chí; cán bộ dân tộc thiểu số có 18 đồng chí; dưới 45 tuổi 25 đồng chí; dưới 50 tuổi có 60 đồng chí; từ 50 tuổi đến 60 tuổi có 152 đồng chí; trên 60 tuổi có 16 đồng chí; tuổi bình quân 53,32 tuổi; có 129 đồng chí công tác ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; 99 đồng chí công tác ở các địa phương.

Với kết quả chuẩn bị như trên, danh sách nhân sự được đề cử tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bảo đảm cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí nêu tại Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

III- VỀ ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI

Các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 1.381 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng số lượng đại biểu được Bộ Chính trị phân bổ cho từng đảng bộ trực thuộc Trung ương. Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử các đồng chí làm trưởng đoàn đại biểu; chỉ định 15 đại biểu thuộc các đảng bộ ngoài nước dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phân công 191 đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu.

1. Đại biểu chính thức

Đại biểu được triệu tập là 1.587 đồng chí, trong đó:

- Đại biểu đương nhiên: 191 đồng chí (chiếm tỉ lệ 12,04%), bao gồm 171 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự khuyết khoá XII.

- Đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương: 1.381 đồng chí (chiếm tỉ lệ 87,02%).

- Đại biểu được chỉ định: 15 đồng chí (chiếm tỉ lệ 0,95%).

Đại biểu nam có 1.365 đồng chí, chiếm 86,01%, đại biểu nữ có 222 đồng chí, chiếm tỉ lệ 13,99%. Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 175 đồng chí, chiếm tỉ lệ 11,03%. Có 3 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chiếm 0,19%; 13 đại biểu là Nhà giáo ưu tú, chiếm 0,82%; 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, chiếm 0,95%.

- Về thời gian vào Đảng: Từ tháng 8/1954 đến tháng 4/1975 có 6 đồng chí (0,38%). Từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1986 có 211 đồng chí (13,3%). Từ tháng 01/1987 đến nay: 1.370 đồng chí (chiếm tỉ lệ 86,33%).

Được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng có 3 đồng chí (0,19%). Được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng có 4 đồng chí (0,25%). Được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng có 23 đồng chí (1,45%). Được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (24,07%).

- Về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ; học hàm, học vị: Đại học: 520 đồng chí (32,77%); thạc sĩ: 773 đồng chí (48,71%); tiến sĩ: 294 đồng chí (18,53%); giáo sư, phó giáo sư: 71 đồng chí (4,47%).

- Về trình độ lý luận chính trị: Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân: 1.579 đồng chí (99,49%). Trình độ lý luận chính trị trung cấp: 6 đồng chí (0,38%); trình độ lý luận chính trị sơ cấp: 2 đồng chí (0,13%).

- Về độ tuổi: Từ 31 đến 40 tuổi: 57 đồng chí (3,59%); từ 41 đến 50 tuổi: 538 đồng chí (33,9%); từ 5l đến 60 tuổi: 895 đồng chí (56,4%); từ 61 đến 70 tuổi: 94 đồng chí (5,92%); trên 70 tuổi: 3 đồng chí (0,19%).

Đại biểu cao tuổi nhất dự Đại hội đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (77 tuổi). Đại biểu ít tuổi nhất dự Đại hội là đồng chí Hà Đức Minh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai (34 tuổi).

2. Đại biểu là khách mời

Đại hội đã mời 162 đại biểu là khách mời trong nước dự Đại hội gồm: Các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (chính thức và dự khuyết) các khoá III, IV, V, VI, VII; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đại biểu là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, đại diện thế hệ trẻ và các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐẠI HỘI

    Tại Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã trình Đại hội các văn kiện gồm: Báo cáo Chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, tại Đại hội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các văn kiện và sôi nổi thảo luận với 788 lượt đồng chí phát biểu tại Đoàn; 36 đồng chí phát biểu tại Hội trường.

Nội dung chính của các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như sau:

I- BÁO CÁO CHÍNH TRỊ CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XII

Báo cáo chính trị có tiêu đề (đồng thời là chủ đề của Báo cáo): "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

1. Về kết quả đạt được

Báo cáo chính trị đánh giá: Năm năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Phát triển văn hoá, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ các hạn chế, khuyết điểm: Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực văn hoá, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có mặt, có nơi chưa được phát huy đầy đủ. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

2. Về tầm nhìn và định hướng phát triển

Dự báo tình hình:

Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Những vấn đề toàn cầu, như: Bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hoà bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hoà bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.

Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn.

Quan điểm chỉ đạo:

- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

- Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030:

(1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

(2) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

(3) Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

(4) Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

(5) Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

(6) Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

(7) Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

(8) Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

(9) Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

(10) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.

(11) Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng công tác dân vận của Đảng.

(12) Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Báo cáo chính trị cũng đề ra các chủ trương lớn về: (1) Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh, bền vững. (2) Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (3) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. (4) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ. (5) Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. (6) Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. (7) Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. (8) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (9) Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. (10) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. (11) Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (12) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

3. Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII

Báo cáo chính trị xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

(2) Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà Vaccine Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

(3) Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

(4) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

(5) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

(6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược sau:

(1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.

(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

II- BÁO CÁO TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 10 NĂM 2011 - 2020, XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 10 NĂM 2021 - 2030

1. Kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020

Báo cáo đánh giá tổng quát, mặc dù trong quá trình thực hiện Chiến lược, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và cùng với sự chủ động điều hành của Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao trong bối cảnh thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn; chất lượng được nâng lên, năng suất lao động được cải thiện rõ nét. Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế được cải thiện. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được bảo đảm, có cải thiện. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm gần 2 năm so với mục tiêu Chiến lược đề ra. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong các lĩnh vực giảm nghèo, y tế, dân số, giáo dục và đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai được tăng cường. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước căn bản, nhất là pháp luật về kinh tế khá đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đạt kết quả quan trọng nhiều mặt.

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu bền vững. Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu Chiến lược đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự thông thoáng. Các đột phá chiến lược chưa có bứt phá. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa thực sự đồng bộ, đầy đủ, hiệu quả. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả; quản lý phát triển đô thị còn bất cập. Quản lý phát triển xã hội còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Công tác y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, chính sách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, người lao động. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông nhiều mặt còn bất cập. Năng lực và nguồn lực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức; an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập. Chưa khai thác hết và tận dụng hiệu quả quan hệ đối ngoại với lợi ích đan xen và ổn định với các đối tác quan trọng; ngoại giao đa phương chưa phát huy hết các lợi thế...

2. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030

- Chủ đề Chiến lược: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

- Quan điểm phát triển:

(1) Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

(2) Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

(3) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

(4) Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp của người Việt Nam ngày càng vững mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao hiệu quả và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

(5) Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

- Các chỉ tiêu chủ yếu:

+ Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm. Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm.

+ Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.

+ Về môi trường: Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Tỉ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính. 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

- Các đột phá chiến lược: Báo cáo nêu 3 đột phá chiến lược:

(1) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

(2) Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tuỵ, phục vụ nhân dân.

Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.

(3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Báo cáo đã đề ra 10 nhóm giải pháp: (1) Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. (2) Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. (3) Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. (4) Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. (5) Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. (6) Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. (7) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. (8) Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. (9) Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. (10) Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Báo cáo nhấn mạnh, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt sâu sắc nội dung Chiến lược trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược.

III- BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025

1. Về đánh giá tình hình

Báo cáo đánh giá: Mặc dù trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định; nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội. Các kết quả nổi bật được Báo cáo nhấn mạnh là:

(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng trong giai đoạn 2016 - 2019. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bội chi và nợ công giảm so với giai đoạn trước, cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

(2) Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt một số kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức thi hành pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật ngày càng được nâng cao. Huy động vốn đầu tư phát triển tăng lên và hiệu quả sử dụng được cải thiện. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được tăng lên rõ rệt.

(3) Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được tăng cường. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Giải quyết việc làm được quan tâm và thất nghiệp giảm. Thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

(4) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 được triển khai tích cực. Các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường ngày càng được chú trọng hơn và đạt một số kết quả.

(5) Cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước được kiện toàn, tinh giản biên chế được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước khá căn bản.

(6) Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

(7) Quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. An ninh chính trị, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

(8) Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng, thiết thực và hiệu quả; ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Báo cáo cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông nhiều mặt còn bất cập. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp. Chưa tận dụng, khai thác tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế.

2. Bối cảnh quốc tế và khu vực trong thời gian tới

Báo cáo xác định trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe doạ sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đi kèm theo đó là sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia, tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt, phức tạp. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu trên thế giới. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, môi tường. Các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên... và thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng.

Ở trong nước, thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích luỹ và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, trong giai đoạn tới nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn; độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục... Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn trong khi đó nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nhanh với cường độ mạnh, khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025...

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu không chỉ hoá giải các nguy cơ, thách thức mà còn phải tích cực, chủ động trước thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, quản trị toàn cầu được định hình lại, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống xã hội thay đổi sau đại dịch.

3. Mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2021 - 2025

Mục tiêu tổng quát được Báo cáo xác định là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo cáo đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu:

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá khoảng 45%.

- Về xã hội: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Về môi trường: Tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%. Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

- Về các cân đối lớn: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng tổng tích luỹ tài sản chiếm khoảng 27 - 28% GDP và duy trì tỉ trọng tiêu dùng cuối cùng không thấp hơn 73% GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Tỉ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15 - 16% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP. Bảo đảm cân đối năng lượng quốc gia.

4. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Báo cáo đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số. (3) Phát triển các vùng và khu kinh tế. (4) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. (5) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. (7) Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với xã hội. (8) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. (9). Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (10) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. (11) Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. (12) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu trong từng giai đoạn để đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp trong quá trình thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; thực hiện giám sát, phản biện xã hội các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu 5 năm.

IV- VỀ BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐẢNG CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XII

1. Về tổng kết công tác xây dựng Đảng

Báo cáo đánh giá, nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ, tổ chức đảng đặc biệt chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đã đạt được kết quả toàn diện. Trong đó nổi bật là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao... Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan toả sâu rộng. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa chuyển biến rõ rệt; tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác dân vận có mặt còn hạn chế; việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là đối với địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

2. Phương hướng của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII

- Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

- Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện phương hướng nêu trên, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. (2) Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. (3) Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. (4) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. (5) Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. (6) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. (7) Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. (8) Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. (9) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. (10) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá sau đây:

Ba nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. (2) Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (3) Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba giải pháp đột phá là: (1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. (2) Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. (3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

3. Về tổng kết thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII

Về ưu điểm, Báo cáo nhận định, sau Đại hội XII, Trung ương đã sớm bổ sung, sửa đổi Quy định thi hành Điều lệ Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các quy định, hướng dẫn tương đối đồng bộ, thống nhất để thực hiện trong toàn Đảng. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương và địa phương cơ bản đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ Đảng. Việc thi hành nghiêm túc các quy định của Điều lệ Đảng đã bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Về hạn chế, Báo cáo đánh giá: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Điều lệ Đảng của Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng có lúc chưa quyết liệt. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Điều lệ Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ chuyên trách công tác xây dựng Đảng ở một số nơi chưa nắm vững Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương để tham mưu cho cấp uỷ. Một bộ phận cấp uỷ viên, đảng viên chưa chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, thậm chí còn vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên. Nguyên tắc tập trung dân chủ có nơi, có lúc thực hiện chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thống nhất đề nghị Đại hội XIII xem xét, quyết định giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung, sửa đổi); giao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Tại Đại hội đã thống nhất quyết định giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành như đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

V- VỀ BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XII

Báo cáo đánh giá, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối, đưa ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; thực hiện có hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề thuận lợi cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện đường lối, thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý và giải quyết có hiệu quả một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước của nền kinh tế. Kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hoá, xã hội, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống của nhân dân được cải thiện. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực. Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh có kết quả tích cực, nhất là đại dịch Covid-19.

Trước những diễn biến mới, phức tạp về tình hình quốc tế, khu vực và Biển Đông, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chủ trương, quyết sách lớn thể hiện sự phát triển mới ngày càng toàn diện tư duy lý luận của Đảng trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới phù hợp với diễn biến tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho đất nước. Thế và lực của đất nước được tăng cường; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới và khu vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Uy tín, vị thế của Đảng, của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng được đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Kết hợp chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả giữa xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng Đảng được tập trung đẩy mạnh, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, tăng cường; đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, sự gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu các cấp; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn lớn, là điểm tựa cho những năm tiếp theo, mà còn tạo ra niềm tin, khí thế để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ để nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Đạt được những kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng bao trùm là sự quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn kiên định, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao, lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là đối với những lĩnh vực quan trọng, then chốt; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đổi mới nội dung và hoạt động của Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các cấp. Kết quả đó thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang; sự lao động sáng tạo, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân ta; sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, cộng đồng quốc tế.

Báo cáo đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ Đại hội XII như: Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Có lúc, có nơi việc xây dựng tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ vẫn còn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ...

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

1. Trong lãnh đạo luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm chỉnh Cương lĩnh, Điều lệ và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng. Bám sát Nghị quyết Đại hội, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII và các quy định của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lãnh đạo phải toàn diện, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm. Trong chỉ đạo phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, nhạy bén, tích cực, luôn theo dõi, bám sát diễn biến tình hình của đất nước và thế giới. Kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận vững vàng, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống bảo thủ, trì trệ; nâng cao khả năng dự báo, phát hiện những diễn biến mới, những vấn đề lớn, quan trọng phát sinh để kịp thời đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, bước đi và cách làm phù hợp.

2. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cần kiên trì thực hiện các mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ cơ bản; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước. Đồng thời, phải tập trung khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tạo đột phá để giữ vững và đẩy nhanh tốc độ phát triển đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Chủ động, sáng tạo trong điều hành, tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong xử lý các vấn đề quan trọng, các tình huống phức tạp liên quan đến chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mở rộng hợp tác và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là với các đối tác chủ chốt, quan trọng, tạo sự ủng hộ quốc tế và môi trường thuận lợi cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

4. Phát huy dân chủ, thường xuyên nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng; đề cao trách nhiệm, bản lĩnh chính trị của người đứng đầu. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý và điều hành thực hiện nhiệm vụ. Kiên quyết, kiên trì chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng ngừa, ngăn chặn triệt để, chống chạy chức, chạy quyền.

5. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân. Phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

VI- VỀ BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VÀ UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

Đại hội XIII đã thảo luận và quyết định Quy chế bầu cử theo tinh thần Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI) và kế thừa các quy định đã được thực hiện tại các đại hội trước, đồng thời có bổ sung, sửa đổi một số điểm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và tiếp thu kinh nghiệm tốt, thực tế chứng minh là đúng từ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhằm phát huy hơn nữa dân chủ, trí tuệ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của đại biểu dự Đại hội; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, khắc phục một số hạn chế trong bầu cử tại Đại hội XII.

1. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII

Đại hội đã thông qua danh sách bầu Uỷ viên Trung ương chính thức gồm 203 đồng chí và biểu quyết bầu lấy 180 đồng chí (bằng số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức khoá XII). Thông qua danh sách bầu Uỷ viên Trung ương dự khuyết 23 đồng chí và biểu quyết bầu lấy 20 đồng chí (bằng số lượng Uỷ viên Trung ương dự khuyết khoá XII).

Đại hội đã tiến hành bầu cử đúng Quy chế, bầu một lần đủ 180 đồng chí Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 20 đồng chí Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

2. Kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng, kết quả:

- Bộ Chính trị khoá XIII có 18 đồng chí, trong đó có 8 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII tái cử và 10 đồng chí lần đầu tham gia.

- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

- Ban Bí thư khoá XIII sẽ có một số đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu.

3. Kết quả bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII gồm 19 đồng chí. Đồng chí Trần Cẩm Tú được bầu tiếp tục làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ 

VÀ UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

I- UỶ VIÊN CHÍNH THỨC BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

STT

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán

Chức vụ

  • 1

Nguyễn Phú Trọng

1944

Hà Nội

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

  • 2

Dương Văn An

1971

Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận

  • 3

Chu Ngọc Anh

1965

Hà Nội

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội

  • 4

Nguyễn Doãn Anh

1967

Hà Nội

Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4

  • 5

Nguyễn Hoàng Anh

1963

Hải Phòng

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

  • 6

Nguyễn Thuý Anh

1963

Phú Thọ

Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

  • 7

Trần Tuấn Anh

1964

Quảng Ngãi

Bộ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

  • 8

Dương Thanh Bình

1961

Cà Mau

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

  • 9

Nguyễn Hoà Bình

1958

Quảng Ngãi

Chánh án Toà án nhân dân tối cao

  • 10

Đỗ Thanh Bình

1967

Cà Mau

Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang

  • 11

Bùi Minh Châu

1961

Phú Thọ

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Phú Thọ

  • 12

Lê Tiến Châu

1969

Tây Ninh

Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang

  • 13

Đỗ Văn Chiến

1962

Tuyên Quang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

  • 14

Hoàng Xuân Chiến

1961

Hưng Yên

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 15

Hoàng Duy Chinh

1968

Bắc Kạn

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Bắc Kạn

  • 16

Mai Văn Chính

1961

Long An

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

  • 17

Phạm Minh Chính

1958

Thanh Hoá

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

  • 18

Nguyễn Tân Cương

1966

Hà Nam

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 19

Bùi Văn Cường

1965

Hải Dương

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk

  • 20

Lương Cường

1957

Phú Thọ

Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 21

Ngô Chí Cường

1967

Trà Vinh

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Trà Vinh

  • 22

Nguyễn Phú Cường

1967

Bình Dương

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai

  • 23

Nguyễn Mạnh Cường

1973

Nghệ An

Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

  • 24

Phan Việt Cường

1963

Quảng Nam

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Quảng Nam

  • 25

Trần Quốc Cường

1961

Nam Định

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

  • 26

Nguyễn Văn Danh

1962

Tiền Giang

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang

  • 27

Nguyễn Hồng Diên

1965

Thái Bình

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

  • 28

Đào Ngọc Dung

1962

Hà Nam

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

  • 29

Đinh Tiến Dũng

1961

Ninh Bình

Bộ trưởng Bộ Tài chính

  • 30

Hoàng Trung Dũng

1971

Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

  • 31

Hồ Quốc Dũng

1966

Bình Định

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định

  • 32

Nguyễn Chí Dũng

1960

Hà Tĩnh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu

  • 33

Võ Văn Dũng

1960

Bạc Liêu

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương

  • 34

Đỗ Đức Duy

1970

Thái Bình

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái

  • 35

Nguyễn Quang Dương

1962

Hà Nội

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

  • 36

Phạm Đại Dương

1974

Hà Nội

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên

  • 37

Vũ Đức Đam

1963

Hải Dương

Phó Thủ tướng Chính phủ

  • 38

Huỳnh Thành Đạt

1962

Bến Tre

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

  • 39

Nguyễn Khắc Định

1964

Thái Bình

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Khánh Hoà

  • 40

Lương Quốc Đoàn

1970

Thái Bình

Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam

  • 41

Nguyễn Quốc Đoàn

1975

Ninh Bình

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế

  • 42

Nguyễn Hữu Đông

1972

Phú Thọ

Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La

  • 43

Nguyễn Văn Được

1968

Long An

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An

  • 44

Nguyễn Văn Gấu

1967

Bến Tre

Thiếu tướng, Chính uỷ Quân khu 9

  • 45

Phan Văn Giang

1960

Nam Định

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 46

Nguyễn Thị Thu Hà

1970

Ninh Bình

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Ninh Bình

  • 47

Trần Hồng Hà

1963

Hà Tĩnh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

  • 48

Vũ Hải Hà

1969

Nam Định

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội

  • 49

Lê Khánh Hải

1966

Quảng Trị

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

  • 50

Ngô Đông Hải

1970

Bình Định

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình

  • 51

Nguyễn Đức Hải

1961

Quảng Nam

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội

  • 52

Nguyễn Thanh Hải

1970

Hà Nội

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Thái Nguyên

  • 53

Nguyễn Tiến Hải

1965

Cà Mau

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau

  • 54

Nguyễn Văn Hiền

1967

Thái Bình

Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân

  • 55

Bùi Thị Minh Hoài

1965

Hà Nam

Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

  • 56

Lê Minh Hoan

1961

Đồng Tháp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • 57

Nguyễn Thị Hồng

1968

Hà Nội

Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • 58

Đoàn Minh Huấn

1971

Hà Tĩnh

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

  • 59

Vương Đình Huệ

1957

Nghệ An

Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV thành phố Hà Nội

  • 60

Lê Quốc Hùng

1966

Thừa Thiên Huế

Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

  • 61

Lữ Văn Hùng

1963

Hậu Giang

Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu

  • 62

Nguyễn Mạnh Hùng

1962

Bắc Ninh

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

  • 63

Nguyễn Văn Hùng

1964

Quảng Nam

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

  • 64

Nguyễn Văn Hùng

1961

Quảng Trị

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

  • 65

Lê Quang Huy

1966

Hà Nội

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

  • 66

Đỗ Trọng Hưng

1971

Thanh Hoá

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Thanh Hoá

  • 67

Lê Minh Hưng

1970

Hà Tĩnh

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

  • 68

Trần Tiến Hưng

1976

Hà Tĩnh

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

  • 69

Y Thanh Hà Niê K’dăm

1973

Đắk Lắk

Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương

  • 70

Lê Minh Khái

1964

Bạc Liêu

Tổng Thanh tra Chính phủ

  • 71

Nguyễn Đình Khang

1967

Bắc Ninh

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

  • 72

Đặng Quốc Khánh

1976

Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Hà Giang

  • 73

Trần Việt Khoa

1965

Vĩnh Phúc

Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

  • 74

Điểu Kré

1968

Đắk Nông

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương

  • 75

Nguyễn Xuân Ký

1972

Nam Định

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh

  • 76

Đào Hồng Lan

1971

Hải Dương

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh

  • 77

Hoàng Thị Thuý Lan

1966

Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Vĩnh Phúc

  • 78

Chẩu Văn Lâm

1967

Tuyên Quang

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Tuyên Quang

  • 79

Tô Lâm

1957

Hưng Yên

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an

  • 80

Hầu A Lềnh

1973

Lào Cai

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

  • 81

Nguyễn Hồng Lĩnh

1964

Long An

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

  • 82

Lê Thành Long

1963

Thanh Hoá

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

  • 83

Nguyễn Thanh Long

1966

Nam Định

Bộ trưởng

Bộ Y tế

 

  • 84

Nguyễn Văn Lợi

1961

Thành phố Hồ Chí Minh

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Bình Phước

  • 85

Võ Minh Lương

1963

Quảng Bình

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 86

Lê Trường Lưu

1963

Thừa Thiên Huế

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

  • 87

Trương Thị Mai

1958

Quảng Bình

Trưởng Ban Dân vận Trung ương

  • 88

Phan Văn Mãi

1973

Bến Tre

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre

  • 89

Lê Quang Mạnh

1974

Hà Nội

Bí thư Thành uỷ Cần Thơ

  • 90

Lâm Văn Mẫn

1970

Sóc Trăng

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng

  • 91

Trần Thanh Mẫn

1962

Hậu Giang

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

  • 92

Châu Văn Minh

1961

Thừa Thiên Huế

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

  • 93

Lê Quốc Minh

1969

Nghệ An

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

  • 94

Phạm Bình Minh

1959

Nam Định

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

  • 95

Trần Hồng Minh

1967

Hà Nội

Trung tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

  • 96

Lại Xuân Môn

1963

Nam Định

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Cao Bằng

  • 97

Giàng Páo Mỷ

1963

Lai Châu

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Lai Châu

  • 98

Phạm Hoài Nam

1967

Bình Định

Phó Đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 99

Trần Văn Nam

1963

Bình Dương

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Bình Dương

  • 100

Nguyễn Văn Nên

1957

Tây Ninh

Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh

  • 101

Hà Thị Nga

1969

Hoà Bình

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

  • 102

Lê Thị Nga

1964

Hà Tĩnh

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

  • 103

Nguyễn Thanh Nghị

1976

Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Xây dựng

  • 104

Nguyễn Hữu Nghĩa

1972

Hà Nội

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

  • 105

Nguyễn Trọng Nghĩa

1962

Tiền Giang

Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 106

Bùi Văn Nghiêm

1966

Vĩnh Long

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long

  • 107

Trần Thanh Nghiêm

1970

Hà Nam

Chuẩn Đô đốc Hải quân, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

  • 108

Nguyễn Duy Ngọc

1964

Hưng Yên

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

  • 109

Nguyễn Quang Ngọc

1968

Nam Định

Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 3

  • 110

Thái Đại Ngọc

1966

Đà Nẵng

Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5

  • 111

Hồ Văn Niên

1975

Gia Lai

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Gia Lai

  • 112

Nguyễn Hải Ninh

1976

Hưng Yên

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

  • 113

Đặng Xuân Phong

1972

Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

  • 114

Đoàn Hồng Phong

1963

Nam Định

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Nam Định

  • 115

Lê Quốc Phong

1978

Hà Nội

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp

  • 116

Nguyễn Thành Phong

1962

Bến Tre

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

  • 117

Hồ Đức Phớc

1963

Nghệ An

Tổng Kiểm toán Nhà nước

  • 118

Nguyễn Xuân Phúc

1954

Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ

  • 119

Trần Quang Phương

1961

Quảng Ngãi

Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 120

Bùi Nhật Quang

1975

Hà Nội

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  • 121

Hoàng Đăng Quang

1961

Quảng Bình

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

  • 122

Lê Hồng Quang

1968

Kiên Giang

Phó Chánh án thường trực Toà án nhân dân tối cao

  • 123

Lê Ngọc Quang

1974

Thanh Hoá

Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam

  • 124

Lương Tam Quang

1965

Hưng Yên

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

  • 125

Trần Lưu Quang

1967

Tây Ninh

Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh

  • 126

Nguyễn Văn Quảng

1969

Hải Phòng

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng

  • 127

Vũ Hải Quân

1974

Ninh Bình

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

  • 128

Trần Đức Quận

1967

Đà Nẵng

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng

  • 129

Thái Thanh Quý

1976

Nghệ An

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An

  • 130

Trịnh Văn Quyết

1966

Hải Dương

Trung tướng, Chính uỷ Quân khu 2

  • 131

Trần Văn Rón

1961

Vĩnh Long

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Vĩnh Long

  • 132

Vũ Hải Sản

1961

Nam Định

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 133

Bùi Thanh Sơn

1962

Hà Nội

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao

  • 134

Nguyễn Kim Sơn

1966

Hải Phòng

Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

  • 135

Trần Văn Sơn

1961

Nam Định

Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ

  • 136

Đỗ Tiến Sỹ

1965

Hưng Yên

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Hưng Yên

  • 137

Nguyễn Thành Tâm

1974

Tây Ninh

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh

  • 138

Dương Văn Thái

1970

Bắc Giang

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang

  • 139

Lê Đức Thái

1967

Quảng Ninh

Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

  • 140

Nguyễn Hồng Thái

1969

Hưng Yên

Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1

  • 141

Lâm Thị Phương Thanh

1967

Ninh Bình

Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn

  • 142

Nguyễn Đức Thanh

1962

Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận

  • 143

Nguyễn Thị Thanh

1967

Ninh Bình

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

  • 144

Phạm Viết Thanh

1962

Quảng Nam

Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu

  • 145

Trần Sỹ Thanh

1971

Nghệ An

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

  • 146

Vũ Hồng Thanh

1962

Hải Dương

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

  • 147

Lê Văn Thành

1962

Hải Phòng

Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng

  • 148

Nghiêm Xuân Thành

1969

Vĩnh Phúc

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam

  • 149

Phạm Xuân Thăng

1966

Hải Dương

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương

  • 150

Huỳnh Chiến Thắng

1965

Bến Tre

Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 151

Nguyễn Trường Thắng

1970

Bình Dương

Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 7

  • 152

Nguyễn Văn Thắng

1973

Hà Nội

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Điện Biên

  • 153

Nguyễn Xuân Thắng

1957

Nghệ An

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

  • 154

Phạm Tất Thắng

1970

Hải Dương

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

  • 155

Trần Đức Thắng

1973

Vĩnh Phúc

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

  • 156

Vũ Đại Thắng

1975

Hà Nội

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình

  • 157

Nguyễn Văn Thể

1966

Đồng Tháp

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

  • 158

Lê Đức Thọ

1970

Phú Thọ

Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam

  • 159

Võ Văn Thưởng

1970

Vĩnh Long

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

  • 160

Lê Thị Thuỷ

1964

Nghệ An

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Hà Nam

  • 161

Trần Quốc Tỏ

1962

Ninh Bình

Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

  • 162

Lê Tấn Tới

1969

Cà Mau

Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

  • 163

Phạm Thị Thanh Trà

1964

Nghệ An

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

  • 164

Phan Đình Trạc

1958

Nghệ An

Trưởng Ban Nội chính Trung ương

  • 165

Dương Văn Trang

1961

Quảng Ngãi

Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum

  • 166

Lê Minh Trí

1960

Thành phố Hồ Chí Minh

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

  • 167

Lê Hoài Trung

1961

Thừa Thiên Huế

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

  • 168

Nguyễn Đình Trung

1973

Nghệ An

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông

  • 169

Trần Cẩm Tú

1961

Hà Tĩnh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

  • 170

Ngô Văn Tuấn

1971

Bắc Ninh

Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình

  • 171

Nguyễn Anh Tuấn

1979

Thanh Hoá

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

  • 172

Phạm Gia Túc

1965

Nam Định

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

  • 173

Hoàng Thanh Tùng

1966

Nghệ An

Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

  • 174

Lê Quang Tùng

1971

Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị

  • 175

Nguyễn Thị Tuyến

1971

Hà Nội

Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội

  • 176

Bùi Thị Quỳnh Vân

1974

Quảng Ngãi

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi

  • 177

Huỳnh Tấn Việt

1962

Phú Yên

Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương

  • 178

Nguyễn Đắc Vinh

1972

Nghệ An

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

  • 179

Lê Huy Vịnh

1961

Hà Nội

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

  • 180

Võ Thị Ánh Xuân

1970

An Giang

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh An Giang


II- UỶ VIÊN DỰ KHUYẾT BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

STT

Họ và tên

Năm sinh

Quê quán

Chức vụ

  • 1

Nguyễn Hoài Anh

1977

Quảng Nam

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận

  • 2

Lê Hải Bình

1977

Hải Phòng

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương

  • 3

Võ Chí Công

1979

Sóc Trăng

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sóc Trăng

  • 4

Bùi Thế Duy

1978

Hà Tĩnh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

  • 5

Vũ Mạnh Hà

1979

Nam Định

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

  • 6

Nguyễn Long Hải

1976

Phú Thọ

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

  • 7

Tôn Ngọc Hạnh

1980

Bình Dương

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

  • 8

Nguyễn Văn Hiếu

1976

Bình Định

Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

  • 9

U Huấn

1980

Kon Tum

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Kon Tum

  • 10

Trịnh Việt Hùng

1977

Hải Dương

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

  • 11

Bùi Quang Huy

1977

Nghệ An

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

  • 12

Nguyễn Phi Long

1976

Yên Bái

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định

  • 13

Hồ Văn Mừng

1977

Khánh Hoà

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà

  • 14

Phan Như Nguyện

1976

Bạc Liêu

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu

  • 15

Y Vinh Tơr

1976

Đắk Lắk

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thị uỷ Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk

  • 16

Lương Nguyễn Minh Triết

1976

Quảng Nam

Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng

  • 17

Vương Quốc Tuấn

1977

Bắc Ninh

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

  • 18

Mùa A Vảng

1983

Điện Biên

Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Điện Biên Đông, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Điện Biên

  • 19

Huỳnh Quốc Việt

1976

Cà Mau

Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau

  • 20

Nguyễn Minh Vũ

1976

Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

III- BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

2. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc

3. Đồng chí Phạm Minh Chính

4. Đồng chí Vương Đình Huệ

5. Đồng chí Trần Tuấn Anh

6. Đồng chí Nguyễn Hoà Bình

7. Đồng chí Lương Cường

8. Đồng chí Đinh Tiến Dũng

9. Đồng chí Phan Văn Giang

10. Đồng chí Tô Lâm

11. Đồng chí Trương Thị Mai

12. Đồng chí Trần Thanh Mẫn

13. Đồng chí Phạm Bình Minh

14. Đồng chí Nguyễn Văn Nên

15. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

16. Đồng chí Võ Văn Thưởng

17. Đồng chí Phan Đình Trạc

18. Đồng chí Trần Cẩm Tú

IV- BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII

   Ban Bí thư Trung ương khoá XIII gồm một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

1. Đồng chí Đỗ Văn Chiến

2. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài

3. Đồng chí Lê Minh Hưng

4. Đồng chí Lê Minh Khái

5. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa

V- UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG KHOÁ XIII

1. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm

2. Đồng chí Hồ Minh Chiến

3. Đồng chí Nghiêm Phú Cường

4. Đồng chí Đoàn Anh Dũng

5. Đồng chí Trần Thị Hiền

6. Đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp

7. Đồng chí Nguyễn Văn Hội

8. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng

9. Đồng chí Vũ Khắc Hùng

10. Đồng chí Hoàng Trọng Hưng

11. Đồng chí Trần Tiến Hưng

12. Đồng chí Tô Duy Nghĩa

13. Đồng chí Võ Thái Nguyên

14. Đồng chí Nguyễn Văn Nhân

15. Đồng chí Nguyễn Minh Quang

16. Đồng chí Trần Văn Rón

17. Đồng chí Trần Đức Thắng

18. Đồng chí Cao Văn Thống

19. Đồng chí Hoàng Văn Trà.

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang