Đôi dép Bác Hồ
Lượt xem: 8140

“Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ ở chiến khu Bác về….”. Câu hát đã đi vào lòng chúng ta không chỉ riêng thế hệ cha anh, những người đã xả thân vì hòa bình, độc lập để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc mà cả với thế hệ trẻ hôm nay, câu hát đã gợi nhắc về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với đôi dép cao su đơn sơ. Cuộc đời cao đẹp của Người, với nếp sống thanh cao, giản dị mãi mãi là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

    Đôi dép cao su của Bác ra đời vào năm 1947, được Người sử dụng trong suốt hơn 20 năm cho đến lúc qua đời. Đôi dép được làm từ vỏ lốp ô tô quân sự, chiến lợi phẩm do bộ đội ta thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc và gửi tặng Bác như một kỷ niệm chiến thắng.

    Đôi dép được cắt vừa chân Bác, hai quai trước to bản kiểu vắt chéo, vừa êm vừa chắc chắn khi trèo đèo, lội suối, lúc vượt đường trơn hay dốc cao. Khi hành quân vào những ngày đông, Bác cũng đi đôi dép ấy. Có hôm trời rét quá, Bác đi thêm đôi tất cho ấm chân. Trong các chuyến thăm đồng bào và chiến sĩ, làm việc với các địa phương, đi thăm nhà máy xí nghiệp, Người đều đi dép cao su. Tiếp khách trong nước hay quốc tế, Bác vẫn đi đôi dép cao su giản dị.

    Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân Nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép cao su ấy, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Các chiến sĩ mừng rỡ, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác hơn. Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này rồi vỗ vai chiến sĩ khác. Trong lúc ấy, có một chiến sĩ vô tình giẫm lên chân Bác và làm tụt quai dép. Anh chiến sĩ ấy vội chạy đi và trở lại với chiếc búa con cùng mấy cái đinh: “Để cháu, cháu sửa dép cho Bác...” Mọi người giãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được sửa xong.

    Những chiến sĩ không được may mắn sửa dép cho Bác, lên tiếng phàn nàn: “Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép mới đi ạ...” Bác nhìn các chiến sĩ rồi nói: “Đôi dép của Bác tuy cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì vẫn còn “thọ” lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên... Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo, các cháu ạ...”

    Câu trả lời của Bác đã cho chúng ta thấy tấm lòng bao la của một vị lãnh tụ kính yêu mà cả cuộc đời, Người dành trọn cho dân, cho nước. Suốt đời mình, Bác luôn lo nghĩ đến việc chung, không dành bất cứ thứ gì cho bản thân, không ham muốn vật chất, không ham muốn danh vọng, không có gia đình riêng để chăm lo cho hạnh phúc cá nhân. Đến khi về với thế giới người hiền, trên ngực áo Người cũng không một tấm huân chương.

    Một lần khác, trong chuyến công tác ở Liên Xô, Bác đến thăm các cháu thiếu nhi. Một cháu mạnh dạn hỏi Bác: “Thưa Bác, tại sao Bác sang nước chúng cháu, Bác không đi giày mà lại đi đôi dép cao su?” Bác cười hiền từ và trả lời rằng: “Các cháu biết không, nước Việt Nam vừa mới kháng chiến xong nên còn nghèo, Bác phải tiết kiệm.”

    Nghe Bác nói vậy, cháu bé liền nói: “Không đâu Bác ạ! Bác cứ đi giày, các cháu sẽ góp mỗi người một cô-pếch (tiền Liên Xô cũ), thì Bác sẽ có đủ giày đi suốt đời mà.” Bác rất xúc động trước tấm lòng của các em thiếu nhi Liên Xô, Bác nói: “Việc Bác đi dép cao su còn có lý do nữa: Đôi dép này rất thuận lợi cho Bác. Lúc đi bộ, lội suối cũng như khi đi ô tô hay máy bay đều rất thoải mái. Khi cần lội nước, không phải cởi ra như khi đi giày, các cháu ạ!”. Giây phút ấy, tất cả các cháu đều vỗ tay reo vui: “Hoan hô Bác Hồ! Hoan hô đôi dép “Hải lục không quân” của Bác.”

    Chỉ với đôi dép cao su giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại biết bao kính yêu và cảm phục trong trái tim của các cháu thiếu nhi và bạn bè quốc tế về hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

    Và cũng chính đôi dép cao su đơn sơ ấy đã mang lại cảm giác gần gũi, để lại ấn tượng khó quên với những ai may mắn được gặp Bác dù chỉ một lần. Đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng cao đẹp của một nhân cách lớn tỏa sáng từ cuộc sống đời thường giản dị, một vị lãnh tụ suốt đời hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

    Đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, nhiều du khách đã nán lại thật lâu bên đôi dép cao su của Bác, kỷ vật đã theo Người đi khắp mọi nẻo đường trong và ngoài nước suốt những năm tháng hoạt động cách mạng cũng như sau này là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước.

    Được tận mắt ngắm nhìn đôi dép đơn sơ, những bước chân như chậm lại và những giọt nước mắt xúc động lăn dài khi nghe thuyết minh viên kể chuyện về đôi dép của Người, những giá trị về nhân cách và lối sống giản dị, cần kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu. Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỷ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta.”

    Từ hình ảnh đôi dép cao su đơn sơ của Bác, chúng ta cảm nhận rõ hơn về một tấm gương mẫu mực suốt cuộc đời lo cho dân, cho nước, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Những giá trị ấy cứ hiện hữu, thấm sâu và lan tỏa để chúng ta tiếp tục phấn đấu, nỗ lực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn,

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi,

Vững như muôn ngọn, dải Trường Sơn.”

          Lê Thị Phương Thảo

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang