Nguyễn
Sinh Cung - Cậu bé giàu nghị lực
Nguyễn Sinh Cung (Tên thời thơ ấu của
Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho yêu nước,
có nguồn gốc nông dân và được nuôi dưỡng bởi cái nôi cách mạng của quê hương
Nghệ An, vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, lao động cần cù, đấu
tranh anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm.
Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Cung đã sớm bộc
lộ tư chất thông minh, ham học nên được Cha (Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) cho
theo học chữ Nho với các thầy giáo giỏi, có đạo đức, giàu lòng yêu nước, thương
dân.
Tận mắt chứng kiến nỗi lầm than, cơ cực
của đồng bào mình ngay trên mảnh đất quê hương, cùng nỗi đau đớn vì mất nước
của các bậc sĩ phu đương thời. Và nhiều lần, trong ngôi nhà tranh 3 gian của
gia đình, Sinh Cung đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ, bàn bạc giữa Cha mình với
các bậc sĩ phu yêu nước về đường lối giải phóng dân tộc. Ký ức về những cuộc tranh
luận gay gắt đó là tiền đề để sau này Nguyễn Sinh Cung suy ngẫm, chọn lựa con
đường cách mạng cho mình.
Khi lên 11 tuổi, ông Nguyễn Sinh Sắc đã
đổi tên cho con là Nguyễn Tất Thành, với mong muốn sau này, con mình sẽ trở
thành người thành đạt. Được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông,
bước đầu tiếp xúc với văn hoá phương Tây, Tất Thành đã miệt mài, hăng say học tập
và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước.
Nguyễn
Tất Thành - Người thanh niên yêu nước tiến bộ
Với quyết tâm phải tìm được con đường
giải phóng cho dân tộc, năm 1909, Tất Thành quyết định rời Huế vào Phan Thiết, dừng
chân dạy học tại trường Dục Thanh một thời gian ngắn từ tháng 9/1910 đến 2/1911,
để có thời gian tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình
vào Sài Gòn, vượt đại dương ra nước ngoài, thực hiện hoài bão của mình, đó là: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và
các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào
chúng ta.”
Ngày 05/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng
(Sài Gòn), tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin nhổ neo đi Mác-xây (Pháp), mang
theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc bắt đầu
cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho dân
tộc bằng đôi bàn tay lao động chân chính của mình.
Nguyễn Tất Thành làm bồi bếp trong khách sạn Cáclơtơn, nước Anh năm 1914
Không tiền bạc, không bạn bè người thân,
hành trang theo Người lên tàu ra nước ngoài chỉ có tấm lòng yêu nước, thương
dân tha thiết cùng ý chí và nghị lực mạnh mẽ, người thanh niên ấy đã dám nghĩ
dám làm, dám dấn thân vào hành trình thực hiện khát vọng, quyết tâm giải phóng
cho dân tộc.
Trong những năm tháng chật vật, gian
truân ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề từ
bồi bếp, quét tuyết đến đốt lò, chụp ảnh… Cuộc sống đầy gian khổ nhưng không
làm Người chùn bước. Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học
thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và Nhân
dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Cuộc hành trình vĩ đại, đầy gian
lao, thử thách qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ đã đưa người thanh
niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa
Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Nguyễn
Ái Quốc - Người chiến sỹ Cộng sản kiên trung
Tháng 12/1920 tại Đại hội Tours (Paris),
Nguyễn Ái Quốc đã lên tiếng tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp gây ra trên
chính quê hương mình, qua đó kêu gọi Đảng Xã hội Pháp nên có những hoạt động
thiết thực ủng hộ cho những người dân bản xứ bị áp bức. Người khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc
tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.”
Đồng thời, với việc bỏ phiếu tán thành
Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người tham
gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Những
bước chân không mỏi, Người đi khắp nơi, từ Pháp (1917-1923), Liên Xô (1923-1924)
đến Trung Quốc (1925)… hoạt động sôi nổi trong phong trào Cộng sản và công nhân
quốc tế để quan sát, học tập, tích lũy những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và
từ đó, lên kế hoạch hành động cho dân tộc mình.
Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin
vào phong trào công nhân và phong trào đấu tranh trong nước, tích cực chuẩn bị mọi
mặt về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản ở
Việt Nam. Bằng sự sáng tạo, nhạy bén và kịp thời, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập
và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 tại
Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc). Từ đây, Nhân dân ta đã có một chính Đảng
duy nhất, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành độc lập, tự
do cho đất nước, giải phóng cho dân tộc.
Hồ
Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài
Sau 30 năm bôn ba ra đi tìm đường cứu
nước, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào
cách mạng Việt Nam.
Tại hang Cốc Bó ở làng Pắc Bó, xã Trường
Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập
đồng minh (Gọi tắt là Việt Minh), tiến hành xây dựng các khu căn cứ cách mạng. Đồng
thời, Người cho xuất bản tờ báo “Việt Nam độc lập” để truyền bá, vận động quần
chúng tích cực tham gia vào các tổ chức, đoàn thể cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa
giành chính quyền cách mạng khi thời cơ đến.
Với vai trò là vị lãnh tụ cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp, tổ chức và lãnh đạo dân tộc ta đấu tranh làm nên
thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành công dân của nước Việt
Nam độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập,
tự do và đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946
Sau khi giành được độc lập, chính
quyền cách mạng non trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đối mặt
với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài. Đứng trước vận mệnh
“ngàn cân treo sợi tóc”, thay mặt
Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy trách nhiệm nặng nề của
mình với dân tộc: “Phận sự tôi như người
cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những
cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của Nhân dân”. Người đề ra
những nhiệm vụ cấp bách là động viên toàn dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc
ngoại xâm và tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước vào ngày 06/01/1946.
Người chính thức được bầu làm Chủ tịch nước.
Trên cương vị Chủ tịch nước, cùng với
Trung ương Đảng, Người ra sức đấu tranh bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng
non trẻ, đoàn kết toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân
Pháp xâm lược thắng lợi (1946 - 1954), và là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng,
toàn quân, toàn dân ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giành chiến
thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đấu tranh giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975).
Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho chúng
ta những di sản vô cùng quý báu, đó là thời đại Hồ Chí Minh và một bản Di chúc
lịch sử với những lời dặn dò tâm huyết, thắm đượm tình người. Thực hiện Di chúc
thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, làm
nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Non sông
thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui sau 30 năm
trường kỳ kháng chiến giữ gìn nền độc lập. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chủ tịch đã trở thành
hiện thực trên đất nước Việt Nam bất khuất, kiên cường.
Có thể thấy, trong mỗi bước trưởng thành
của Đảng, mỗi bước phát triển của đất nước, đều in trọn dấu ấn của Chủ tịch Hồ
Chí Minh – Vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình,
kiên trung bất khuất. Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người lãnh
đạo Nhân dân ta đoàn kết một lòng, anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần
làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Hồ
Chí Minh - Nhà văn hóa lớn
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng
của mình, với nhiều tên gọi, bút danh khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác
giả của hơn 250 bài thơ, 1.636 bài báo và nhiều tác phẩm đã được xuất bản thành
sách: “Bản án chế độ thực dân Pháp”
(năm 1925), “Đường Kách mệnh” (năm
1927), “Tuyên ngôn Độc lập” (năm
1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng
chiến” (năm 1946), “Sửa đổi lối làm
việc” (năm 1947), “Nâng cao đạo đức
cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969)… góp phần tuyên truyền
những yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo
dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên.
Hồ Chí Minh còn là người sáng lập ra
nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta và cũng là nhà
báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. Người đã sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le
Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (năm 1924), Thanh niên, Công nông, Lính Kách
mệnh (năm 1925), Thân ái (năm 1928), Việt Nam độc lập (năm 1941), Cứu quốc (năm
1942) và Tạp chí Đỏ (năm 1930) tố cáo tội
ác của chủ nghĩa thực dân, cổ vũ, thức tỉnh, hướng dẫn và kêu gọi Nhân dân đoàn
kết đấu tranh giành tự do, độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng miền Nam
Người cũng chỉ thị thành lập Đài Phát
thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 07/9/1945; thành lập Hãng
tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945; báo Sự Thật (nay là
báo Nhân dân) ngày 11/3/1951.
Với phong cách giản dị và sâu sắc, chân
thực và ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu mà hiệu quả sắc bén, Người đã đặt nền
móng và có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn hóa, giáo dục và báo chí cách
mạng của nước nhà. Các tác phẩm báo chí, thơ ca của Người đã minh chứng rõ ràng
sức sáng tạo của nhà cách mạng – Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh. Đồng thời thể
hiện trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của vị lãnh tụ
thiên tài của dân tộc.
Hồ
Chí Minh - Chân dung đời thường
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu
tượng sáng ngời về tấm gương đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà Người còn là
tấm gương mẫu mực về đời sống riêng giản dị, cần kiệm, thanh bạch, từ lời nói
đến việc làm, từ cách ăn mặc cho đến những sinh hoạt trong cuộc sống đời thường.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-02-1969
Là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc nhưng
hình ảnh Bác Hồ lội ruộng làm đồng, tăng gia sản xuất với bà con nông dân, đã
trở thành hình ảnh giản dị nhưng đầy ý nghĩa đối với Nhân dân cả nước và bạn bè
quốc tế mỗi khi nhớ về Người. Bất kỳ đi thăm ở đâu, khi nào, Bác cũng xưng hô,
nói chuyện với các tầng lớp Nhân dân, ân cần như nói với người thân trong một
nhà. Những chuyến đi thăm của Người đã giúp bà con nông dân nhận thức sâu sắc
hơn, đúng đắn hơn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vườn cà phê của nông trường quốc doanh Đông Hiếu, Nghệ An, ngày 10-12-1961
Từ Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất
Thành, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh, Người đã dành trọn cuộc đời 79 mùa xuân
với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đấu tranh vì độc lập, tự do cho đất nước,
vì hạnh phúc của Nhân dân. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người với những
giá trị nhân văn sâu sắc không chỉ thấm sâu trong trái tim, khối óc của mỗi
người dân Việt Nam, mà còn lan tỏa, trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao
đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái tiến lên, thi đua học tập, lao
động, sản xuất và chiến đấu.
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ
Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời cao đẹp của
Người, từ nếp sống thanh cao, giản dị đến tấm lòng yêu nước, thương dân sâu
sắc. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của
Bác trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng thêm kính yêu và tự hào về vị lãnh
tụ vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn
hóa kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX./.
Lê Thị Phương Thảo
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận