Hai lần từ chối nhận Huân chương của Bác Hồ
Lượt xem: 1193
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một lãnh tụ cách mạng, chiến sĩ cộng sản vĩ đại, nhưng đồng thời cũng là một con người bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học và làm theo, đặc biệt về phong cách của Bác. 

    Mỗi câu chuyện về Bác đều thể hiện phong cách giản dị, gần gũi nhưng rất tinh tế của Người. Lối sống, tác phong quần chúng thường ngày của Bác luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng nhưng lại không xa lạ với mỗi con người bình thường, mà ai cũng có thể soi mình, học tập và noi theo.

    Người là biểu tượng cao đẹp cho ý chí độc lập, thống nhất của Tổ quốc ta. Người coi nhiệm vụ của mình chưa hoàn thành khi miền Nam chưa được giải phóng. Vì lý do đó mà Bác đã hai lần từ chối nhận Huân chương.

    Lần thứ nhất là vào năm 1963, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, họp đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác kính yêu. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó có nghị quyết về đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ về thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, về phong trào yêu nước ở miền Nam, về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của đất nước ta.

    Đặc biệt, tại kỳ họp này, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động. Phát biểu tại cuộc họp của Quốc hội, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Ðó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng cho người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.

    Rồi Người đề nghị rằng: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.

anh tin bai

Đoàn đại biểu Anh hùng miền Nam ra thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 11-11-1965

    Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào miền Nam vẫn là người “Đi trước về sau”. Chính vì vậy, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn dõi theo từng bước đấu tranh gian khổ của đồng bào miền Nam. Đã nhiều đêm, Bác trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

    Tấm lòng thương nhớ miền Nam của Người thể hiện từ việc chǎm sóc các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết, đến việc vun trồng cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng. Hằng ngày ngồi làm việc, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa, như nhìn thấy hình ảnh của đồng bào miền Nam yêu dấu. Chính vì chưa một lần vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác đều yêu cầu phải sắp xếp thời gian cho Bác gặp. Và những lần như thế, Bác vui mừng biết bao!

    Năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. Lần ấy, được gặp Bác, các đồng chí trong đoàn mừng vui khôn xiết. Đồng chí Nguyễn Vǎn Hiếu, thay mặt đồng bào miền Nam, kính dâng lên Bác một chiếc lọ làm bằng vỏ đạn và nói: “Thưa Bác, Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”. Nhận món quà quý của đồng bào miền Nam gửi tặng, giây phút ấy, Bác đã đặt tay lên ngực trái, chỉ vào trái tim mình, rồi Người cảm động nói: “Bác chẳng có gì để tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi!”.

    Và lần thứ hai, Bác từ chối nhận Huân chương là vào năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Xô viết.

    Một lần nữa, Người từ chối nhận Huân chương trong lúc toàn thể Nhân dân Việt Nam đang hy sinh chiến đấu chống đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Trong bức điện cảm ơn, Bác viết: “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc chúng tôi. Mà riêng tôi lại được hưởng vinh dự to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày Nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”.

    Nhưng đến ngày ấy thì Bác đã đi xa. Và cho đến lúc ra đi, Người vẫn không mang theo một tấm Huân chương nào trên ngực, nhưng trong ngực trái của Bác là một trái tim vĩ đại, trái tim của một vị lãnh tụ dành trọn cho Nhân dân, cho đất nước.

    Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, thế nhưng Bác kính yêu có nếp sống vô cùng giản dị, cần kiệm, thanh bạch, từ lời nói đến việc làm, từ cách ăn mặc cho đến những sinh hoạt hàng ngày, ngay cả khi Người đã là Chủ tịch nước. Vì Người tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đầy tớ trung thành của đồng bào”. Suốt đời tâm niệm là người công bộc của Nhân dân, Bác luôn hòa mình vào đời sống của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ sự ưu tiên nào mà người khác dành cho mình. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà trở thành sống mãi trong lòng của mỗi người dân Việt Nam.

    Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Bác đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và hình ảnh cao đẹp của Người vẫn còn sống mãi. Suốt một đời hy sinh vì dân vì nước, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá. Đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

anh tin bai

Thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà trưng bày

    Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, công việc của các viên chức, người lao động nơi đây như sợi dây kết nối làm nên mạch đời sống động giữa cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ với muôn nẻo du khách gần xa. Đó không chỉ đơn thuần là công tác chuyên môn, mà hơn hết, còn là tình cảm và sự tri ân sâu sắc của mỗi cán bộ, viên chức nơi đây đối với những hiện vật thiêng liêng đã gắn bó với thời thanh niên yêu nước của Bác Hồ.

anh tin bai

Khách tham quan nghe thuyết minh tại trường Dục Thanh

    Dẫu rằng đó là những công việc thầm lặng, nhưng đã để lại niềm tin và ấn tượng sâu sắc với đông đảo khách tham quan. Điều đó đã góp phần rất lớn vào việc gìn giữ, bảo quản và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà Bác đã để lại trên quê hương Bình Thuận cũng như cuộc đời thanh bạch của Người để lại cho hôm nay và mãi muôn đời sau.

Lê Thị Phương Thảo

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang