Không
phải đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ mới làm thơ chúc Tết. Mà ngay từ
những ngày Xuân đầu tiên trở về Tổ quốc sau chặng đường dài hơn 30 năm bôn ba tìm
đường cứu dân cứu nước, Bác đã bắt đầu làm thơ chúc Tết. Đó là Tết Nhâm Ngọ năm
1942, bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác “Chúc năm mới” được in trên Báo Việt Nam
độc lập số 114, ngày 01/01/1942:
“Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ
đỏ ngôi sao bay phấp phới!
Nǎm
này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách
mệnh thành công khắp thế giới.”
Những
vần thơ chúc Tết của Bác đã nhen nhóm lên ngọn lửa của phong trào cách mạng Việt
Nam, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Và trong ý thơ, ý tưởng về Quốc kỳ với cờ
đỏ sao vàng đã được tượng hình, dự cảm về thời cơ cách mạng thành công đang đến
rất gần.
Quả
thật đến năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa ra đời, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành công dân của nước Việt
Nam độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập,
tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vào
mùa Xuân độc lập đầu tiên của đất nước, Xuân Bính Tuất năm 1946,
lần đầu tiên, vào đêm giao thừa, trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt
Nam, nhân dân ta được sống trong những giờ phút đặc biệt, háo hức, lắng nghe
Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, bài thơ “Chúc đồng
bào” với những lời hân hoan, hào sảng mừng đất nước độc lập, tự do như một món
quà tinh thần vô giá, được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành nguồn
động viên, cổ vũ lớn lao đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước trong học tập,
thi đua lao động, sản xuất và chiến đấu:
“Trong nǎm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn nǎm!”
Sau
mùa Xuân độc lập đầu tiên, thực dân Pháp trở lại với dã tâm muốn cướp nước ta một
lần nữa. Lời thơ chúc Tết của Bác còn là lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết một
lòng, anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Một lần nữa, ngọn
lửa truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của dân
tộc ta lại bùng cháy trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Suốt
9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, những bài
thơ chúc Tết của Bác luôn động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hoàn thành nhiệm
vụ cách mạng cùng những dự báo lịch sử về tương lai của nước nhà, với niềm tin
tất thắng: “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”
(Tết Canh Dần 1950), “Nhiều xuân thắng lợi,
càng gần thành công” (Tết Tân Mão 1951), “Nǎm mới thi đua mới, Thắng lợi ắt về ta” (Tết
Nhâm Thìn 1952)…
Đáp
lại tình cảm và niềm tin yêu của Bác, nhân dân ta liên tiếp giành thắng lợi ở các
chiến dịch tiến công: Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Thu đông năm
1953 và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết với ta “Bản Hiệp định
Giơnevơ”, công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam.
Bước
vào giai đoạn 1954 - 1975, đế quốc Mỹ đổ quân vào can thiệp ở miền Nam, biến miền
Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng, làm bàn đạp để tấn
công miền Bắc, nhằm tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước tình hình mới,
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai
nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thơ mừng Xuân Đinh Mùi năm 1967 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tết
Mậu Thân năm 1968 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Và bài thơ mừng Xuân 1968 của Bác như một
hiệu lệnh tiến công:
“Xuân
này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng
trận tin vui khắp nước nhà,
Nam
Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến
lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mãnh
liệt và truyền cảm, những câu thơ đã đem đến niềm xúc động cho đồng bào, chiến
sĩ cả nước một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, thân yêu. Và niềm hy vọng, niềm
tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi mà Bác truyền cho cả dân tộc như kim
chỉ nam, soi đường cho nhân dân ta cùng tiến lên đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ độc
lập tự do của Tổ quốc. Ngay sau giây phút Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, cả miền Nam nổi
dậy tiến công như vũ bão, phá vỡ âm mưu xâm lược, và làm phá sản chiến lược
“Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Mừng
Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thơ chúc Tết đồng bào, đồng chí
bằng tất cả tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Đây
cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác gửi toàn dân, toàn quân ta:
“Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,
Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng
to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”
Thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Xuân Kỷ Dậu năm 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lời
thơ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của
dân tộc ta. Đúng 6 năm sau, đại thắng mùa Xuân năm 1975 với “Chiến dịch Hồ Chí
Minh” lịch sử, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời mong ước cuối cùng của Bác
trước lúc đi xa: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Mùa
Xuân năm 1975 như một điểm hẹn lịch sử, là sự kết tinh của đường lối cách mạng
giải phóng dân tộc đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tổ quốc Việt Nam từ đây sạch
bóng ngoại xâm, cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục công cuộc đổi
mới, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
79
mùa Xuân của cuộc đời, Bác kính yêu đã dành trọn cho dân, cho nước. Xuyên suốt 22
bài thơ chúc Tết, từ bài thơ đầu tiên năm 1942 đến bài thơ cuối cùng năm 1969, Bác
đã thể hiện trọn vẹn tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm mạnh mẽ cùng niềm tin
tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước nhà.
Đã
53 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng những bài thơ chúc Tết cùng tư tưởng, đạo đức,
phong cách của Người vẫn vẹn nguyên giá trị và sống mãi trong lòng dân tộc, sống
mãi với non sông đất nước, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua
sôi nổi, hǎng hái tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ mới.
Một
mùa Xuân mới đang về, Xuân Nhâm Dần 2022, mỗi cán bộ, Đảng viên và các thế hệ người
dân Việt Nam đều nguyện nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự
lực, tự cường, khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch, cùng chung sức chung lòng
xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như mong ước của Bác
kính yêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”./.
Lê Thị Phương Thảo
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận