Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Người hết lòng chăm lo sự nghiệp trồng người
Lượt xem: 10003

         Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng. Một trong những nghề đầu tiên mà Người từng làm, đó là nghề dạy học. 

    Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng. Một trong những nghề đầu tiên mà Người từng làm, đó là nghề dạy học. 

     Phan Thiết - Bình Thuận rất vinh dự, tự hào là nơi đã từng in dấu chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người 20 tuổi) dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh từ tháng 9/1910 đến tháng 02/1911. Bằng tâm huyết, tình cảm của mình, Người đã để lại tấm gương của một người thầy giáo hết lòng thương yêu, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho học trò tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, trước khi vào Sài Gòn, vượt đại dương ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước.

 

Tranh sơn dầu Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang giảng bài tại Trường Dục Thanh

    Năm 1909, sau khi thôi học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đi dần vào mảnh đất phía Nam, để có thời gian tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vĩ đại, thực hiện hoài bão của mình, đó là: Ra nước ngoài, tìm hiểu nền văn minh của thế giới để trở về giúp ích cho đồng bào.

    Trên cuộc hành trình bôn ba ấy, Nguyễn Tất Thành ghé vào Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, anh Thành đã gặp cụ Nghè Trương Gia Mô - người bạn đồng chí hướng với cha mình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của cụ Mô, tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành được vào dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết.

    Dục Thanh khi đó là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận. Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính. Bên cạnh đó, còn dạy thêm 3 môn: Chữ Hán, tiếng Pháp và môn thể dục. Học trò của trường lúc đông nhất khoảng 60 người, được chia làm 4 lớp: Lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất (tương đương từ lớp 2 đến lớp 5 bậc Tiểu học ngày nay).

    Giáo viên của trường có khoảng 7 thầy giáo, thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi ấy vừa tròn 20 tuổi, là giáo viên trẻ tuổi nhất. Theo sự phân công của nhà trường, thầy Thành dạy lớp nhì, thầy dạy thể dục và trợ giảng các môn Hán văn, Quốc ngữ tiếng Pháp.

    Trong thời gian ngắn dạy học tại trường Dục Thanh, thầy Thành đã để lại những tình cảm, kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong lòng của học trò, đồng nghiệp và Nhân dân Phan Thiết qua phong cách sống và giảng dạy của thầy. Đó là những bài học quý báu về phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ với tình yêu thương, gần gũi học trò, lòng say mê công việc và ham học hỏi cùng phong cách sống giản dị, hòa đồng.

    Những giờ lên lớp, thầy Thành giảng bài nhiệt tình, dễ hiểu, luôn lấy ví dụ minh họa trong thực tế cuộc sống để bài giảng thêm sinh động. Những nội dung khó, thầy thường giảng rất chậm và kỹ. Mỗi lần giảng bài xong, bao giờ thầy cũng hỏi: “Các trò đã hiểu bài chưa?”. Chỉ khi nào cả lớp đồng thanh hô vang: “Dạ thưa thầy, hiểu bài rồi!”, khi đó thầy Thành mới dạy sang bài mới. Thầy không chỉ giảng dạy trên lớp mà còn tranh thủ giảng dạy ở mọi lúc, mọi nơi. Những ngày nghỉ cuối tuần, thầy Thành thường dẫn học trò đi thăm các di tích lịch sử và cảnh đẹp của quê hương: Đình làng Đức Nghĩa, bến đò Văn Thánh, bãi biển Thương Chánh (Nay là bãi biển Đồi Dương)… Để những chuyến dã ngoại ấy thực sự là những buổi học thú vị giúp các trò hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước bằng những hình ảnh cụ thể, thiết thực và gần gũi nhất.

    Có thể thấy, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ. Những ngày dừng chân dạy học ở Dục Thanh - Phan Thiết đánh dấu sự hình thành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Đó cũng là tư tưởng mà ngành giáo dục hiện nay vận dụng: Học phải đi đôi với hành, lý luận phải đi kèm với thực tiễn.

    Thầy Thành là một tấm gương sáng về tinh thần tự học. Với Người, học để làm người có tri thức nhằm giúp dân, giúp nước. Thầy luôn tận dụng mọi hoàn cảnh để học: Học trong sách vở, ở đồng nghiệp và ở cả nhân dân lao động. Những đêm khuya, thầy thường đến căn gác Ngọa Du sào để đọc sách và học thêm tiếng Pháp. Nhiều lần, thầy còn đưa các trò xuống bến cá Cồn Chà, thăm hỏi bà con ngư dân lao động. Vô nhà nào, thầy cũng hỏi thăm về tình hình cuộc sống, về bữa ăn, về cách đánh bắt cá, cách xác định phương hướng khi đi biển, cũng như tập làm quen dần với những cơn sóng gió ngoài biển khơi…

Tham quan Trường Dục Thanh

    Có thể nói, trường Dục Thanh - Phan Thiết là nơi Bác Hồ mở đầu sự nghiệp giáo dục thanh niên mà Người theo đuổi suốt đời. Từ lúc đang là người đi học trở thành người dạy học, từ người thanh niên yêu nước trở thành người thầy, Nguyễn Tất Thành đã trải qua một bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn tuổi trẻ của đời mình. Bởi Dục Thanh chính là điểm khởi đầu trong cuộc hành trình cách mạng đi tìm con đường giải phóng dân tộc, góp phần làm thay đổi vận mệnh của đất nước. Thời gian dừng chân tại Phan Thiết là giai đoạn đỉnh cao của tư tưởng yêu nước, góp phần thôi thúc ý chí và khẳng định quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi 20 sôi nổi, đầy nhiệt huyết.

    Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi trường xưa Bác dạy, đồng thời, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Nhiều năm qua, Khu Di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đã phối hợp với Sở Giáo dục, các trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức những chuyến tham quan đưa học sinh, sinh viên thăm lại trường xưa Bác dạy và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Các lễ dâng hoa, báo công viếng Bác, lễ tuyên dương giáo viên, học sinh giỏi, các buổi sinh hoạt truyền thống, giao lưu tìm hiểu “Bác Hồ với thanh niên”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh”…

    Thăm lại trường xưa Bác dạy không chỉ là buổi tham quan, hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Đó chính là sự thu hút, sức cảm hoá đặc biệt của Khu Di tích Dục Thanh - một “trường học” cho tất cả mọi người, trường học đó giáo dục lối sống, nhân cách và đạo đức theo tấm gương mẫu mực của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Các đoàn học sinh, sinh viên tham quan nghe thuyết minh tại trường Dục Thanh

    Nhìn lại 30 năm phát triển (từ năm 1992 đến năm 2022), đơn vị đã đón và phục vụ 4.144.372 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Tổ chức 6.133 lễ tưởng niệm, báo công, tuyên dương, kết nạp Đảng, Đoàn… Kết quả đó, đã chứng minh những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, tuyên truyền, phát huy giá trị lịch sử của Khu Di tích Dục Thanh, gắn với những năm tháng thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

    Về thăm trường Dục Thanh, nơi cách đây 112 năm Bác Hồ đã mở đầu sự nghiệp trồng người, hình ảnh ngôi trường xưa vẫn gần gũi, thiêng liêng và mãi là niềm trân trọng, tự hào của các thế hệ người dân Bình Thuận hôm nay và mai sau.

            Lê Thị Phương Thảo

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang